Sunday, October 13, 2013

Đem Phật Pháp đến cho giới trẻ

Đem Phật Pháp đến cho giới trẻ

 

 Cư Sĩ Tâm Huy Huỳnh Kim Quang

Với tư cách là một Phật tử, thì đều quan tâm, thao thức và tự hỏi rằng mình có thể đóng góp được gì để đem giáo pháp mầu nhiệm của đức Phật đến với những người có duyên. Trong số những người có duyên đó, có lẽ thế hệ con cháu của chúng ta là đối tượng cần được chú ý đến nhất.
            
Vì sao? Trước hết, đó là trách nhiệm làm ông bà, cha mẹ, chú bác, cô dì trong gia đình đối với con cháu. Khi chúng ta là người thừa hưởng những lợi lạc vô giá của Phật Pháp trong đời sống hàng ngày thì điều tự nhiên là chúng ta có trách nhiệm phải chia sẻ gia tài qúy báu đó cho thế hệ con cháu chúng ta để chúng cũng có cơ duyên đem Phật Pháp làm đẹp, làm hạnh phúc và an lạc cho cuộc sống.

Hơn nữa, với vai trò là người con Phật, đi theo dấu chân và hạnh nguyện tự giác, giác tha của đức Phật, chúng ta không thể bỏ qua việc đem Phật Pháp đến cho những ai có duyên trong đời mình mà con cháu là đối tượng gần gũi nhất. Sau cùng, khi chính bản thân chúng ta nhận thức rõ rằng Phật Pháp không những là diệu dược chữa lành bệnh khổ cho từng cá nhân con người mà còn là giải pháp hữu hiệu để xây dựng và phát triển cộng đồng xã hội, thì chúng ta không thể không góp phần vào việc đem Phật Pháp đến cho thế hệ con cháu chúng ta, vì thế hệ trẻ là tương lai của cộng đồng xã hội.
        
Nhưng, vấn đề được đặt ra là, làm thế nào để đem Phật Pháp đến cho giới trẻ tại hải ngoại? Từ vấn đề tổng quát trên dẫn chúng ta đến những vấn đề có tính chi tiết và thực tế.  Đó là, tâm thức và hoàn cảnh của giới trẻ Việt Nam tại hải ngoại, những thuận nghịch duyên trong việc đem Phật Pháp đến cho giới trẻ, và phương cách đem Phật Pháp đến cho giới trẻ. Vì lẽ đó, có 3 vấn đề mà chúng tôi xin được trình bày chi tiết sau đây.
             
1- Tâm thức và hoàn cảnh của giới trẻ Việt Nam tại hải ngoại:
        
Giới trẻ Việt Nam là thế hệ thứ 2 hay một rưỡi của cộng đồng người Việt tại hải ngoại, có nghĩa là thế hệ được sinh ra, hay được dưỡng dục để trưởng thành tại hải ngoại. Thế hệ không được sinh ra nhưng được nuôi dưỡng và lớn lên tại hải ngoại dù có một khoảng thời gian ngắn ngủi sống trong truyền thống văn hóa tại Việt Nam nhưng chất liệu của truyền thống văn hóa dân tộc ấy không đủ mạnh để thấm sâu trong huyết quản mà thay vào đó là một truyền thống văn hóa khác có sức mạnh chiếm ngự cuộc đời của tuổi trẻ.

Thế hệ được sinh ra tại hải ngoại thì hoàn toàn sống trong truyền thống văn hóa khác với truyền thống văn hóa dân tộc Việt Nam cho nên, nếp suy nghĩ, cách sống và lý tưởng của thế hệ này hầu như hoàn toàn xa lìa nguồn cội văn hóa dân tộc.
       
 Tất nhiên, trong cái chung vẫn có cái riêng. Cái riêng chính là thế hệ trẻ vẫn còn được sống trong các gia đình mà ông bà, cha mẹ là những người còn giữ nguyên được bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc, từ ngôn ngữ, ăn uống đến các sinh hoạt văn hóa khác, nhờ vậy, đã có thể quân bình được phần nào tình trạng xa lìa nguồn cội của thế hệ trẻ Việt Nam tại hải ngoại. Nhưng, đó chỉ là lý thuyết. Trên thực tế, còn tùy thuộc vào ý thức, trách nhiệm, vai trò và nỗ lực tới đâu của thế hệ ông cha đối với con cháu của mình nữa.
        
Văn hóa khác mà thế hệ trẻ Việt Nam tại hải ngoại được nuôi dưỡng và trưởng thành là văn hóa Tây Phương. Đó là nền văn hóa cởi mở, khai phóng với những giá trị dựa trên nền tảng của nền văn minh khoa học kỹ thuật, thực dụng và kinh tế tài chánh lấy sự thành đạt qua bằng cấp học vị, qua công ăn việc làm, qua mức thu nhập tài chánh cá nhân và gia đình, qua đời sống hướng ngoại và hưởng thụ vật chất, qua tinh thần tự do, dân chủ và độc lập cá nhân, v.v… làm thước đo.

Sống trong nền văn hóa như thế, thế hệ trẻ Việt Nam tại hải ngoại dễ dàng thoát ra khỏi nề nếp kỷ cương truyền thống của gia đình Việt Nam vốn lấy tinh thần gia trưởng, vâng lời, hiếu thuận, phục tùng làm thước đo. Đó chính là bối cảnh làm nền cho những dị biệt, xa cách, xung đột và bất an trong các gia đình người Việt nói riêng và các cộng đồng di dân tại hải ngoại nói chung.
       
Với tâm thức và hoàn cảnh của tuổi trẻ Việt Nam tại hải ngoại như vậy, việc đem Phật Pháp đến cho giới trẻ gặp những nghịch và thuận duyên nào?
       
 2- Thuận, nghịch duyên trong việc đem Phật Pháp đến giới trẻ:
           
Có thể nói, nghịch duyên trong việc đem Phật Pháp đến cho giới trẻ Việt Nam tại hải ngoại nhiều hơn thuận duyên. Vì sao?
        
Như đã trình bày ở trên, giới trẻ Việt Nam được sinh ra và lớn lên trong bối cảnh văn hóa khác với nền văn hóa truyền thống dân tộc cho nên, nếp suy nghĩ, cách sống cũng khác với thế hệ ông cha. Khoảng cách giữa hai thế hệ là một nan đề khó tránh khỏi, đặc biệt trong các gia đình của các cộng đồng di dân. Cộng thêm vào đó là yếu tố khác biệt về ngôn ngữ làm cho khoảng cách giữa hai thế hệ càng thêm rộng lớn.

Thế hệ ông cha thường sử dụng ngôn ngữ truyền thống dân tộc mang theo trong sinh hoạt gia đình, trong khi thế hệ tuổi trẻ chỉ thông thạo thứ tiếng của đất nước mà chúng được giáo dục và trưởng thành. Học đường mà thế hệ trẻ được đào tạo đa phần chủ trương tách rời ảnh hưởng của tôn giáo và chỉ chú trọng vào việc truyền trao kiến thức chuyên môn thuộc các lãnh vực thế gian mà không đề cập đến nền giáo dục đạo đức, luân lý và tôn giáo truyền thống.

Hơn nữa, tuổi trẻ là thành phần hiếu động, là giai kỳ xung lực cao độ của đời người, cho nên, đối với họ, việc đi tìm một chỗ nương tựa cho đời sống tâm linh trong các tôn giáo nói chung và Phật Giáo nói riêng vẫn chưa phải là nhu cầu thiết yếu. Chính vì vậy, đối với giới trẻ, chùa chiền là nơi dành riêng cho thế hệ ông cha lớn tuổi, cho những ông bà già gần đầt xa trời. Họ thật sự chưa thấy hấp lực nào để lôi cuốn vào các sinh hoạt của Phật Giáo.
        
Thuận duyên quý giá mà tuổi trẻ Việt Nam tại hải ngoại có cơ hội bắt gặp là càng ngày Phật Giáo càng ảnh hưởng sâu rộng vào xã hội Tây Phương trong giới trí thức, học giả, giáo sư, khoa học gia, v.v… Nhưng đó không là thuận duyên phổ biến trong đại đa số giới trẻ Việt Nam tại hải ngoại.
        
Đến đây, vấn nạn được đặt ra là, trong hoàn cảnh như thế, làm sao để mang Phật Pháp đến với trẻ?
             
3- Vài đề nghị đem Phật Pháp đến với giới trẻ:
           
Đây chỉ là một vài đề nghị để góp phần vào công tác hoằng pháp trong giới trẻ. Và sau đây là một số đề nghị.
        
a- Nắm bắt cơ hội ngay tức khắc, không chờ đợi:
        
Câu hỏi được nêu ra là: cơ hội là lúc nào? Có thể trả lời một cách không đắn đo rằng đó là ngay bây giờ.

Thời điểm “ngay bây giờ” được nói đến ở đây không phải là hạn kỳ thời gian mà là động thái khởi sự. Do đó, thời điểm “ngay bây giờ” có thể không giống nhau giữa người này với người nọ. Với đôi vợ chồng mới lấy nhau, đó là những suy nghĩ và dự tính về việc sinh con và cách giáo dục con ngay từ khi mới bắt đầu mang thai, để làm sao đem niềm tin Phật Pháp truyền từ người mẹ sang bào thai trong thời gian 9 tháng 10 ngày. Đối với các bậc cha mẹ có con còn non dại, đó là thực hiện ngay tức thì việc đem Phật Pháp dạy dỗ con bằng trái tim, bằng tấm lòng, bằng trí tuệ, bằng lời nói, và bằng hành động cụ thể.
       
 b- Thân giáo:
        
Khi chúng ta muốn giới thiệu loại thuốc trị bệnh nào cho người khác thì điều trước tiên là bản thân mình phải là con bệnh từng được chữa lành bởi loại thuốc đó. Cũng tương tự như vậy, khi chúng ta muốn đem Phật Pháp đến cho con cháu của mình thì trước hết mình phải là người thực hành Phật Pháp có hiệu quả, có lợi lạc mà con cháu chúng ta có thể trông thấy. Chẳng hạn, chúng ta không thể khuyên con cháu đi chùa, học Phật, thực hành Phật Pháp, trong khi chính bản thân mình không đi chùa, không học Phật, không hành trì Phật Pháp trong đời sống hàng ngày. Thêm một thí dụ khác, con cháu chúng ta sẽ không có niềm tin vào Phật Pháp qua sự giới thiệu của chúng ta nếu bản thân chúng ta vẫn còn đầy dẫy tham, sân, si trong đời sống hàng ngày sau bao nhiêu năm đi chùa tụng kinh, nghe pháp, làm công quả, v.v…
             
c- Tạo cơ duyên:
        
Ngay từ lúc con cháu còn nhỏ, các bậc cha mẹ nên cố gắng tranh thủ từng cơ hội để dẫn con em đến chùa lễ Phật, dự các buổi lễ tại các chùa, hay các buổi lễ Phật Giáo được tổ chức nơi công cộng để cho con em có ấn tượng hay có thể ươm mầm hạt giống Phật Pháp trong tâm ngay từ lúc còn tấm bé. Đừng nghĩ rằng những cơ hội đó, những hình ảnh đó rồi sẽ tiêu mất đi. Không đâu!

Chúng sẽ còn mãi trong tâm thức, trong tiềm thức của các em đến trọn cả đời. Ở nhà, nếu có bàn thờ Phật thì nên dạy con cháu thường xuyên thắp hương lễ Phật để hình ảnh đức Phật in sâu vào tâm thức của chúng. Khi con em đến tuổi đi học, các bậc cha mẹ nên dành thì giờ đưa con em tham gia sinh hoạt trong các tổ chức tuổi trẻ Phật Giáo như Gia Đình Phật Tử, thanh thiếu niên Phật tử, hay các đoàn thể Phật tử sinh hoạt tại các chùa. Cha mẹ thường xuyên khuyến khích và khen thưởng cho con em trong việc đọc sách Phật Pháp bằng tiếng Việt hay tiếng Anh vào những lúc chúng rãnh rỗi, hay vào mùa nghỉ hè, v.v… Trong đời sống sinh hoạt gia đình hằng ngày, các bậc ông bà, cha mẹ nên tranh thủ từng công việc để có thể dạy con một vài điều hữu ích từ trong những lời dạy của đức Phật.
             
d- Thực hành mở tâm và lắng nghe:
        
Hố ngăn cách giữa hai thế hệ già trẻ có thể được nối kết lại gần nhau nếu chúng ta biết khéo léo bắt nhịp cầu cảm thông và hiểu biết. Nhịp cầu đó chính là thái độ cởi mở tâm thức và bình thản lắng nghe. Mở tâm để nhìn nhận thực tế là chúng ta đang sống trong xã hội cởi mở, văn minh, tự do, dân chủ, và bình đẳng, cho nên, chúng ta phải mở rộng lòng ra để tiếp nhận nền văn hóa mới, học hỏi những gì mình chưa biết từ xã hội và từ con người, ngay cả với con cháu chúng ta nữa. Bình thản lắng nghe để có thể hiểu biết một cách tường tận từng sự kiện xảy ra chung quanh mình, và những suy nghĩ, cảm nghĩ và ước muốn của thế hệ con cháu chúng ta, mà không áp đặt định kiến của chúng ta lên đó. Điều này thực ra là chuyện mà người cư sĩ Phật tử phải thực hành hàng ngày trong đời sống qua lời dạy của đức Phật, chứ không phải là chuyện xa lạ hay cần phải cố gắng quá sức của mình.
             
e- Hoằng pháp từ những người thân:
        
Hoằng pháp là hạnh nguyện lớn không phải làm một đời là xong. Cho nên, chư Phật và Bồ Tát phát đại nguyện thệ độ chúng sinh trong vô lượng vô số kiếp. Chẳng hạn như ngài Địa Tạng đã phát nguyện: “Địa ngục vị không, thệ bất thành Phật. Chúng sinh độ tận, phương chứng bồ đề,” (Khi nào địa ngục trống rỗng thì mới thành Phật. Nguyện độ hết chúng sinh mới chứng đạo quả giác ngộ viên mãn). Với người cư sĩ Phật từ bình thường, chúng ta hãy bắt đầu hạnh nguyện góp phần hoằng pháp từ những người thân trong gia đình, trong thân tộc, vì đấy là những người chúng ta có thiện duyên gần gũi nhất, và có nhiều cơ hội nhất để đem Phật Pháp đến với họ, đặc biệt là thế hệ con cháu chúng ta.

Chỉ cần mỗi cư sĩ Phật tử phát nguyện và làm được như thế thì đã góp phần không nhỏ trong công cuộc hoằng pháp tại hải ngoại. Chúng ta hãy hình dung rằng, nếu mỗi bậc cha mẹ mà nỗ lực đem Phật Pháp đến được cho con em của mình thực sự thì số lượng trẻ em trong các gia đình Phật Giáo sẽ nhiều biết bao nhiêu, và tương lai của Phật Giáo tại hải ngoại sẽ tươi sáng biết chứng nào. Vì thế, xin hãy bắt đầu từ khởi điểm gần và dễ nhất, nhưng thật ra cũng không dễ chút nào cả đâu, với những người thân, với con cháu của chúng ta.
           
        
Những gì trình bày trên đây chì là gợi ý. Mong rằng từ những gợi ý nhỏ nhất này sẽ góp phần gợi hứng thêm cho nhiều suy tư, sáng kiến, và hành động cụ thể và hữu ích đối với cuộc hội thảo mang chủ đề “Sự Đóng Góp của Người Cư Sĩ Trong Công Cuộc Hoằng Pháp Tại Hải Ngoại” hôm nay.
        
Cầu nguyện hội thảo được thành tựu viên mãn và hồi hướng công đức đến pháp giới chúng sinh đồng thành Phật đạo. (tamlinhvabạn.blogspot.com - Theo Thư viện Hoa Sen)
          

Post a Comment

 
Copyright © 2013 TÂM LINH | Powered by Blogger