Sunday, October 13, 2013

BA CÂU CHUYỆN VỀ TRIẾT LÝ SỐNG CỦA STEVE JOBS

BA CÂU CHUYỆN VỀ TRIẾT LÝ SỐNG CỦA STEVE JOBS



Cuộc đời Steve Jobs - sống vì cái đẹp, vì tình yêu và vì lý tưởng

Khải Thiên (Thích Tâm Thiện)


LTS. Steve Jobs được thế giới ca ngợi là thiên tài kỹ thuật, nhà phát minh vĩ đại, một doanh nhân tài ba... Ẩn dưới những bề nổi đó, Steve Jobs là một Phật tử, thực hành thiền định từ thuở thanh niên. Là người sở hữu tài sản rất lớn, nhưng ông luôn sống đơn giản, thiểu dục tri túc, ăn chay. Steve Jobs từng bộc bạch: “Tâm vắng lặng là chìa khóa của mọi sáng tạo”. Ngày Steve Jobs tạm biệt thế giới này, cả thế giới thương tiếc ông, dành những lời tốt đẹp nhất để nói về Steve Jobs.

Người viết bài này chẳng liên hệ gì với Steve Jobs trong mọi lĩnh vực. Mối liên hệ duy nhất với ông ta đơn giản chỉ là một chiếc máy tính Macbook Air mới vừa mua chưa đầy vài tháng... Bao nhiêu niềm vui vì tiện ích kỳ vĩ của chiếc máy tính này trong thoáng chốc đã nhuốm màu u buồn khi hay tin người sáng tạo ra nó đã vĩnh viễn ra đi!

Càng ngậm ngùi hơn khi biết rằng người ấy đã nói về sự ra đi của mình 5 năm trước qua bài thuyết trình nhân lễ tốt nghiệp tại một đại học danh giá bậc nhất thế giới, Stanford University, cũng là nơi tràn đầy kỷ niệm của tác giả. Bài viết như một lời tri ân... không phải vì tôn vinh sự lên ngôi của những chiếc máy tính cực mỏng, iPad, iPhone... mà vì xúc động trước bức thông điệp về triết lý sống “rất Phật” đến bất ngờ của người sáng lập Apple.

Thông điệp ấy đang truyền cảm hứng về một đời sống với lý tưởng cao đẹp đến khắp hành tinh này, nhất là đối với các bạn thanh thiếu niên, những người vốn đang sống vì cái đẹp, vì tình yêu, và vì lý tưởng. Dưới đây là ba câu chuyện và triết lý sống của Steve Jobs đã truyền đạt cho các bạn trẻ tại Đại học Stanford, Polo Alto.

Định nghiệp như những dấu chấm...

Câu chuyện đầu tiên mà Steve Jobs giới thiệu trong diễn văn của mình đó là việc bỏ học nửa chừng của ông ta. Nghe rất cảm động. Ông ta bỏ học không phải vì lười biếng mà vì cảm thấy buồn và xấu hổ khi phải tiêu quá nhiều tiền để dành cả đời của bố mẹ nuôi trong khi bản thân ông lại không thực sự cảm nhận được những điều mà ông cho là có giá trị thật sự. Ông đã quyết định từ giã ngôi trường chỉ sau sáu tháng theo học. Tuy nhiên, môn học viết chữ đẹp (calligraphy) đã lôi kéo sự quan tâm của ông. Ông đã theo học những lớp thư pháp mà ông không hề nghĩ rằng sau này ông đã áp dụng chúng vào trong các mẫu thiết kế của Apple.

Trong thời điểm của những quyết định khó khăn ở tuổi học sinh, Steve Jobs đã chọn lòng hiếu kính với cha mẹ và yêu thích cái đẹp làm động lực dắt dẫn cuộc sống của mình. Nhìn lại những kinh nghiệm thời thơ ấu, Steve Jobs đã khuyên các bạn trẻ trong lễ tốt nghiệp của họ rằng,  

“ Bạn không thể nối kết những dấu chấm khi nhìn về phía trước; bạn chỉ có thể nối kết chúng khi nhìn lại đằng sau. Cho nên bạn phải tin tưởng rằng những dấu chấm đó thế nào rồi cũng sẽ nối kết với tương lai của bạn bằng cách này hay cách khác. Bạn hãy tin tưởng vào điều gì đó ở chính mình: bản năng, định mệnh, cuộc sống, nghiệp lực, vân vân. Lối tiếp cận này chưa bao giờ làm cho tôi thất vọng, và nó đã tạo ra những thay đổi quan trọng trong cuộc sống của tôi”. 

(... You can’t connect the dots looking forward; you can only connect them looking backwards. So you have to trust that the dots will somehow connect in your future. You have to trust in something - your gut, destiny, life, karma, whatever. This approach has never let me down, and it has made all the difference in my life).

Mười năm sau, khi hồi tưởng lại, Steve Jobs đã nhận ra rằng sự thành công của ông được quyết định bởi những yếu tố quan trọng đó là: ông đã nhìn đời bằng chính đôi mắt của mình; ông đã nói với đời bằng chính tiếng nói từ nội tâm của mình, và ông đã sống giữa đời bằng tình yêu cái đẹp sâu thẳm đến từ trái tim của chính mình. Bạn thử nghĩ đến một chàng thanh niên vừa từ bỏ một con đường đại học danh giá và tham dự vào những lớp học viết chữ đẹp nghe có vẻ viển vông và rõ ràng chẳng thực tế chút nào! Nhưng Chính Steve Jobs, khi nhìn lại, đã khẳng định, “Nó thật là đẹp, thật kỳ vĩ, và tinh tế một cách điệu nghệ trong một cách thức mà khoa học không làm sao nắm bắt được, và tôi đã thấy nó quả thực là quyến rũ.

Tuy nhiên, những điều này thậm chí không hề có chút hy vọng nào đến những ứng dụng thực tế trong đời sống của tôi. Nhưng mười năm sau, khi chúng tôi thiết kế chiếc máy tính Macintosh đầu tiên, tất cả đã trở lại với tôi”. (It was beautiful, historical, artistically subtle in a way that science can’t capture, and I found it fascinating. None of this had even a hope of any practical application in my life. But ten years later, when we were designing the first Macintosh computer, it all came back to me.)

Thật vậy, tâm sự của ông là những kinh nghiệm sống quý giá vô bờ. Câu chuyện đầu tiên mà Steve Jobs đã chia sẻ với chúng ta đó chính là những lời khuyên chân tình cho những ai đang bước vào ngưỡng của của cuộc đời: Hãy để tâm chiêm ngưỡng cái đẹp, dù rất bình thường, ngay cả trong tình huống tồi tệ nhất, vì chính nó sẽ đem lại sự tươi mát để nuôi dưỡng cuộc sống. Và hãy để lòng hiếu kính với cha mẹ, sự quan tâm đến nỗi khó nhọc của những người chung quanh, và lòng yêu thích cái đẹp dắt dẫn bạn trước những quyết định khó khăn nhất. Rõ ràng, đây là một quan điểm, một thái độ sống rất vị tha bên cạnh tình yêu tha thiết đối với cái đẹp.

 
Steve Jobs thực tập thiền từ thuở thanh niên, ở độ tuổi thường
chẳng mấy ai quan tâm tới vấn đề sinh, lão, bệnh, tử...

Nhẹ nhàng trong sự thành, bại...

Câu chuyện thứ hai cũng thật là cảm động. Nó nói rõ về ý nghĩa của tình yêu và sự mất mát. Trong căn nhà đậu xe của bố mẹ nuôi, Steve Jobs và người bạn đã lần đầu tiên thành lập Hãng Apple. Lúc ấy ông chỉ vừa 20 tuổi. Đến 10 năm sau, Công ty Apple trong căn nhà để xe của ông đã phát triển thành một đại công ty với tổng trị giá hai tỷ đô la và hơn 4.000 nhân viên làm việc. Nhưng rồi, trong lúc đang ở đỉnh cao của sự thành đạt, lúc ông vừa 30 tuổi, ông đã bị buộc thôi việc vì bất đồng quan điểm về tầm nhìn tương lai với người mà ông đã thuê làm điều hành. Ông phải ra đi vì toàn ban điều hành đứng về phía người ấy.

Ông đã thực sự đau khổ vì thất bại này. Nhưng từ trong đáy thẳm của con tim, ông ta đã nhận ra một phép lạ, đấy là, ông vẫn chưa mất tình yêu đối với công việc của mình. Thế là ông đã khởi sự thành lập một công ty mới là NeXT và tiếp sau đó là Công ty Pixar gắn liền với người phụ nữ, mà sau này trở thành vợ của ông. Điều kỳ thú là chẳng bao lâu sau sự thành đạt của NeXT, chính Apple đã mua lại Công ty NeXT, một công ty đã tạo ra những sản phẩm then chốt cho sự phục hưng của Apple như hiện nay. Thế là Steve Jobs đã trở lại với Apple.

Về sau ông đã phát biểu rằng, “Bị thôi việc ở một công ty do chính mình sáng lập quả là điều tốt đẹp nhất đã đến với tôi. Cái nặng nhọc của thành công được thay thế bằng cái nhẹ nhàng trong trạng thái của người mới khởi sự, ít có bám chắc vào bất cứ cái gì. Nó đã cởi trói cho tôi đi vào một giai đoạn sáng tạo nhất của cuộc đời”. (... Getting fired from Apple was the best thing that could have ever happened to me. The heaviness of being successful was replaced by the lightness of being a beginner again, less sure about everything. It freed me to enter one of the most creative periods of my life).

Những gì Steve Jobs nói quả thật là chẳng khác gì giọng điệu của một thiền sư chính thống. Vâng, ông đã nói với chúng ta bằng sự kiện, chứ không phải bằng ngôn ngữ rằng: thất bại không phải là điều đáng sợ mà đánh mất tình yêu vào cuộc sống mới là điều đáng sợ! Trong những lúc thất bại và não nề như thế, ông đã bám lấy tình yêu vào công việc thay vì sống với phiền muộn khổ đau hay tự đồng hóa mình với những cảm giác buồn vui, thương ghét... Là một người Phật tử, Steve Jobs đã rất tinh tế khi sống lời Đức Phật dạy bằng cách cố vượt ra khỏi sự bức bách của tám nhân duyên ám ảnh trần thế - được, mất vui, buồn, khen chê, danh vọng và không danh vọng - để
khơi dậy tình yêu và lý tưởng của mình. (Xem Kinh Anguttara Nikaya AN 8.6).
Nếu bạn cứ tiếp tục chạy theo tám nhân duyên này, cho dù bạn được phép sống thêm một trăm năm nữa thì bạn vẫn mải miết trong phập phồng, đau khổ. Vì chân lý của cuộc sống là sự thay đổi không ngừng. Chỉ có cách, hãy tự mình vượt lên trên các nhân duyên đối đãi này và an trú sâu xa trong tĩnh lặng, bạn mới có thể sáng tạo và làm mới cuộc sống của chính mình. Sống như Steve Jobs, tĩnh tâm trước thành hay bại, chắc chắn bạn sẽ được an bình, hạnh phúc.

 
Những thông điệp trong bài nói chuyện của Steve Jobs tại ĐH Standford
đã thực sự chạm vào trái tim của nhiều người, những triết lý sống "rất Phật"

Quán niệm về vô thường (sự chết) để sống tốt đẹp hơn...

Câu chuyện thứ ba đã khép lại cuộc đời trần thế của Steve Jobs. Và lạ lùng thay, đây lại là một bài giảng về vô thường, về cái chết cho hàng ngàn sinh viên trong ngày lễ ra trường tại Đại học Stanford. Tất nhiên bài thuyết trình trong một bối cảnh quan trọng như thế được phô diễn trên văn bản với một quan điểm sống rõ ràng chứ không phải là một cảm hứng ngẫu nhiên. Steve Jobs đã giảng về vô thường như thế nào?

Ông bắt đầu câu chuyện: “Mỗi buổi sáng khi soi gương tôi đều hỏi chính tôi rằng “Nếu như hôm nay là ngày cuối cùng của đời tôi, thì tôi có muốn làm những gì mà tôi sắp sửa làm hay không?”. Nếu như câu trả lời là ‘Không’ suốt nhiều ngày như vậy, thì tôi biết rằng tôi phải thay đổi một điều gì đó”. (I have looked in the mirror every morning and asked myself: “If today were the last day of my life, would I want to do what I am about to do today?”. And whenever the answer has been “No” for too many days in a row, I know I need to change something). 

Một lối sống cẩn thận và có ý thức từng ngày, từng giờ như thế xuất phát từ căn bệnh ung thư tụy tạng (lá lách) mà ông đang cưu mang. Chính căn bệnh của ông cũng đã giúp ông phần nào tỏ ngộ chân lý vô thường. Nhưng căn bệnh đó không giúp ông tìm đến Phật giáo. Vì Steve Jobs đã đến với Phật giáo ở ngay vào độ tuổi thanh xuân, ở một lứa tuổi mà hầu như chẳng ai bận tâm đến chuyện sinh lão bệnh tử.

Mặc dù phải đối diện với bệnh tật nhưng tâm ông đã không hề chùng xuống mà trái lại nó lại sáng suốt và mạnh mẽ hơn bao giờ. Ông nhấn mạnh: “Quán niệm rằng nay mai tôi sẽ chết là một công cụ quan trọng nhất mà tôi đã đương đầu để có thể giúp tôi quyết định những lựa chọn lớn lao. Bởi vì hầu như tất cả mọi thứ - lòng mong đợi từ bên ngoài, niềm kiêu hãnh, nỗi sợ hãi về sự thất bại hay bẽ bàng - những điều này sẽ bị rơi rụng trước cái chết, chỉ còn lại những gì thật sự quan trọng.

Ghi nhớ rằng bạn sẽ phải chết là cách tốt nhất mà tôi biết để có thể tránh được cạm bẫy của ý tưởng rằng bạn có cái gì đó để mất!” (Remembering that I’ll be dead soon is the most important tool I’ve ever encountered to help me make the big choices in life. Because almost everything - all external expectations, all pride, all fear of embarrassment or failure – these things just fall away in the face of death, leaving only what is truly important. Remembering that you are going to die is the best way I know to avoid the trap of thinking you have something to lose).

Dường như Steve Jobs đã rất tâm đắc pháp môn quán niệm về sự chết. Một trong những pháp môn quán niệm mà Đức Phật đã giảng dạy trong mười pháp tùy niệm đó chính là niệm Chết (niệm diệt). Câu chuyện của Steve Jobs dường như vô tình cũng đã mang theo bóng dáng của cô bé quay tơ 16 tuổi, cư dân làng Alavi, được ghi lại trong chuyện tích Kinh Pháp Cú. Cô bé làm nghề quay tơ cũng đã thành tựu về mặt tâm linh nhờ vào pháp niệm này; và cũng đã từ giã thế giới rất sớm...
 
Quán niệm về cái chết để sống tốt đẹp hơn...

Thế nhưng có lẽ Steve Jobs đã cảm nhận về một dự báo rất gần khi ông ta phát biểu bằng một ngôn ngữ bộc trực và mãnh liệt rằng, “Không ai muốn chết cả. Thậm chí người muốn lên thiên đàng cũng không muốn chết để đến đó. Tuy nhiên, chết là điểm đến chung cho tất cả chúng ta. Chưa bao giờ có ai trốn thoát nó được. Và rằng, rất có thể Chết là một tạo phẩm tốt đẹp của đời sống. Nó là điểm thay đổi cuộc sống. Nó dọn sạch cái cũ và mở đường cho cái mới. Ngay bây giờ, cái mới là bạn, nhưng rồi ngày nào đó, không mấy lâu đâu, bạn sẽ từ từ trở thành cái cũ, và sẽ bị dọn sạch. Xin lỗi, vấn đề trở nên quá bi thương, nhưng nó là sự thật”. (No one wants to die. Even people who want to go to heaven don’t want to die to get there. And yet death is the destination we all share. No one has ever escaped it. And that is as it should be, because Death is very likely the single best invention of Life. It is Life’s change agent. It clears out the old to make way for the new. Right now the new is you, but someday not too long from now, you will gradually become the old and be cleared away. Sorry to be so dramatic, but it is quite true).

Lối chỉ thẳng vào sự thật của cuộc sống biến chuyển vô thường rõ ràng nghe có vẻ ảm đạm và u buồn thật đấy! Nhưng đó không phải là một quan điểm bi quan mà là sự thật cho dù bạn muốn nói ra hay là không. Nên nhớ rằng, quán niệm về chết không phải để chết; quán niệm về chết là để sống tốt đẹp hơn và làm cho chính cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn trong mọi lĩnh vực và giá trị của nó.

Điều này được khẳng định khi Steve Jobs đánh giá về kẻ đồng hành của mình: “Vấn đề duy nhất của Hãng Microsoft là họ không có cái cảm thức thẩm mỹ. Họ tuyệt nhiên không có cảm thức thẩm mỹ. Tôi không nói điều đó theo lối hẹp, mà tôi nói điều đó trong một phương diện lớn lao, trong ý thức rằng họ không nghĩ đến những ý niệm ban sơ, và họ không đem nhiều yếu tố văn hóa vào trong những sản phẩm của họ”. (“The only problem with Microsoft is they just have no taste. They have absolutely no taste. And I don’t mean that in a small way, I mean that in a big way, in the sense that they don’t think of original ideas, and they don’t bring much culture into their products.”-PBS Documentary, Triumph of the Nerds, 1996). Lời bình phẩm này cho thấy Steve Jobs quan tâm đến đời sống thẩm mỹ như thế nào và dĩ nhiên nó cũng lôi kéo chúng ta về với triết lý của những dấu chấm và nét chữ đẹp mà ông đã kể với chúng ta trong câu chuyện ban đầu.

Quán niệm về Chết theo tinh thần Phật giáo mà Steve ứng dụng vào đời sống của mình hẳn không hề mang dấu ấn bi quan nào hết. Trái lại, nó mở ra một con đường thênh thang với biết bao cơ hội chuyển hóa và thăng tiến theo giấc mơ lý tưởng của mình, bỏ lại đằng sau tất cả những vướng bận vào được mất, hơn thua cho cuộc sống nhị nguyên. Vâng, đấy chính là sức công phá vĩ đại của một tâm thức đã vượt lên trên thế giới vô thường vì đã “tỏ ngộ” về vô thường. Hẳn bạn không cần phải chờ cho tới khi già chết rồi mới hiểu được những giá trị chân thật của cuộc đời!

Chỉ một phút tĩnh tâm với một trang kinh, Steve Jobs đã hiểu được những giá trị thực thụ khi quán niệm về chết. Từ đó, ông đã ra sức sống hết mình với những gì tốt đẹp nhất và đeo đuổi mục tiêu của mình cho tới cùng. Động lực của của sự đeo đuổi này, dĩ nhiên, không phải vì hơn thua mà chính vì tấm lòng trân trọng cuộc sống, trân trọng những giá trị chân thật, và trân trọng cái “Mỹ” bên cạnh cái Chân và cái Thiện.

Có lẽ, bạn sẽ thấm thía hơn khi nghe Steve Jobs nói về cội nguồn hạnh phúc thật sự của đời mình trong mối tơ duyên nhọc nhằn của sống và chết: “Làm người giàu có nhất nằm trong nghĩa địa đối với tôi không thành vấn đề... Mỗi đêm khi đi ngủ và nói với mình rằng chúng ta đã làm điều gì đó thật là tuyệt vời... đó mới là vấn đề quan trọng với tôi. (Being the richest man in the cemetery doesn’t matter to me… Going to bed at night saying we’ve done something wonderful… that’s what matters to me) - The Wall Street Journal, 1993.
Xin tạm biệt một tâm hồn tràn ngập yêu thương!

Khải Thiên (Mùa Thu 2011)
(*) Bài cảm niệm được viết bởi cảm xúc của tác giả nhân đọc bài phát biểu của Steve Jobs được đăng trên trang web của ABC News, tháng 10, ngày 08, 2011. Link: http://abcnews.go.com/blogs/technology/2011/10/steve-jobs-talked-about-death-in-2005-stanford-commencement-speech-2/
(Nguồn: http://www.giacngo.vn/vanhoa/phatgiao/2011/10/17/7F6642/)

Bài liên quan đến chủ đề:
SỐNG NHƯ THẾ NÀO TRƯỚC KHI BẠN CHẾT - Steve Jobs
THIÊN TÀI KỸ THUẬT STEVE JOBS TỪ TRẦN - Jobs khai sinh Apple I & II, iPod, iPhone, iPad... Tu pháp Thiền Tào Động, giữ tâm vắng lặng...

http://news.stanford.edu/news/2005/june15/jobs-061505.html English version
http://www.youtube.com/watch?v=UF8uR6Z6KLc Youtube Video


Một thần tượng trong dấu hỏi
Mặt trái của Apple
Đồng tiền nào cũng có hai mặt. Tôi vẫn cảm thấy không thoải mái khi hay tin Apple có những xưởng sàn xuất bên Hoa Lục và nhân công bị bóc lột rất tàn nhẫn cả về giờ làm việc lẫn lương bổng. Không benefits với đồng lương thấp và không có ngay cả ngày nghỉ cuối tuần. Đã có những công nhân tự vẫn. Apple có những sản phẩm tiên tiến lý tưởng nhưng không mang lại việc làm cho công nhân Hoa kỳ, chỉ mang lại lợi nhuận cho riêng Apple mà thôi. Bài viết cho thấy mặt trái của đồng tiền Apple.
(Long B.)

Kỷ niệm với Steve Jobs của một kỹ sư Việt nam

Steve Job chết, ai ai cũng ra vẻ thương mến. Có kẻ trong CĐVN đã nâng ông ta lên tới bậc thiên tài dù rằng Steve Jobs chưa bao giờ có thể gọi là nhà sáng tạo. Ông ta chỉ có tài buôn bán, và biết cách bắt chẹt thị trường (như ông ta bắt chẹt các hãng sản xuất music, in sách), và lèo lái để làm sao Apple có được những món hàng độc đáo.

Thuở sinh tiền, ông ta nổi tiếng là hung dữ, abused nhân viên, chèn ép bạn bè và tàn nhẫn với ngay cả cô con gái đầu của ông. Ông từng bị nhân viên rượt đánh ngoài bãi đậu xe khi Apple chưa có tên tuổi gì cho lắm. Ông theo đủ thứ đạo, sau cùng thì theo đạo Phật, ăn chay trường cho tới ngày mất, thế nhưng, cuộc sống hàng ngày của ông là cuộc sống của một nhà hung thần, độc tài. Ngay thời Apple nổi tiếng, có lợi nhuận kỷ lục, nhân viên ông thường tránh né đi thang máy chung với ông.

Hãng ông lời to, nhưng hoàn toàn chỉ tạo job tại China - chệt chù, và ông từng phớt lờ tình trạng làm việc theo kiểu nô lệ tại China mà hãng Apple ký giao kèo với. Với ông, thành công và dominate thị trường là cứu cánh, rồi từ đó, cứu cánh biện minh cho mọi phương tiện.

Tới khi ông chết, sự liên hệ giữa ông và cô con gái Lisa lớn của ông vẫn còn ở thế hấp hối, sống được là nhờ 2 bên biết nhịn. Giữa ông cùng nhân viên thân tín của ông vẫn chỉ là chủ với tớ. Có kẻ tuyên bố, tôi không thể nói là tôi buồn khi tôi không còn bị đối đầu với một hung thần như vậy, nhưng chẳng lẽ ông ta chết mà tôi lại lên tiếng tôi vui thì cũng .. kỳ.

Thời tôi còn trẻ, còn ở Bắc Cali, đã làm cho ông khi hãng lúc ấy mới có 20 người, cho nên tôi có thể biết ông hơn là những người chỉ biết qua tin tức. Làm được chừng 1 năm tôi phải bỏ chạy vì ông bóc lột và abusing nhân viên quá độ. Hở chút là ông chửi, mà ông chửi rất nặng, cũng như chửi trước mặt mọi người. Tôi còn nhớ, có lần ông hỏi tôi :

"Sao ai cũng phiền hà còn mầy thì lại im lặng".

Tôi bèn trả lời rằng:

"Anh văn tôi còn dở, tôi có hiểu ông nói gì đâu mà phiền hà".

Ông cắc cớ hỏi tiếp:

"Như vậy sao mày lại hiểu câu tao hỏi và trả lời ngon ơ như vậy ?"

thì tôi bốp lại:

"Tôi dở chữ chửi thề chứ tôi không dở những từ khác."

Ông tím mặt bỏ đi!

Cuối năm ngoái Steve Jobs lăn ra chết, nhờ thế công chúng nhiều nước trên thế giới, nhứt là Việt Nam mới biết được ông ta là người sáng lập ra công ty Apple mà ngoài những chiếc máy vi tính tinh xảo và đẹp đẽ là những sản phẩm Iphone, Ipod, Ipad, rồi Itab với kỷ thuật siêu hạng đột phá tưởng như chỉ có trong chuyện khoa học giả tưởng. Ngành truyền thông nhiều nước đưa ông ta lên hạng siêu nhân, và chuyện nhiều người trong giới trẻ không những ở Mỹ mà còn ở VN cố nhớ những điều đọc được về ông ta để "khaó" vánh vách trở nên thời thượng.

Steve Jobs có thể là một thiên tài nhưng không thể là một siêu nhân, nói chi đến vĩ nhân. Ông ăn chay trường, hầu như chẳng tắm rưả gì cả vì cho rằng cách sống cuả ông ta không cho phép cơ thể ông ta tiết ra mùi hôi; thường đi chân không kể cả khi vào phòng họp. Cách không mặc áo sơ mi và đeo cà vạt bên trong áo vest, mà thay vào đó là chiếc áo pull đen cổ lọ trở thành mode thời trang mà vì ông ta không đòi bản quyền nên ngay cả những người bắt chước ông cũng không biết. Một thiên taì thưòng là một kẻ lập dị.

Nhưng caí văn hoá ông ta áp đặt cho công ty Apple là một thứ văn hoá sắt máu cuả một "hội kín" mà giaó điều là "bí mật tuyệt đối" và sự "hoang tưởng". Nhân viên Apple từ cấp cao xuống thấp luôn luôn bị nhồi sọ về chuyện giử bí mật, bị đe doạ trừng phạt bằng các biện pháp pháp lý.

Nếu Apple không chỉ là một công ty sản xuất mà là một quốc gia, thì Steve hẳn đã là một nhà độc taì nếu không như một Hitler hay một Stalin thì cũng là một Pinochet cuả Chile.

Trong khuôn khổ quan niệm đạo đức cuả Tây Phương, Steve Jobs còn có thể bị liệt vào tội sát nhân hay đồng loã sát nhân.

Chọn lựa giữa lợi nhuận và công nhân

Maclean là một tạp chí nổi tiếng của Canada vưà rồi đã có bài viết hé mở một chút sự thật về cái "hội kín" Apple. Những nhà theo dõi hoạt động các doanh nghiệp thường tìm hiểu về đối tác sản xuất, làm ăn, cuả các công ty là ai, thường là họ thất bại khi đụng đến Apple vì caí văn hoá "bí mật tuyệt đối" cuả nó. Nhưng hôm 13 tháng 1 năm 2012 vưà qua Apple đã công bố danh sách các công ty cung cấp (có thể hiểu là các nhà thầu) cuả Apple. Sự kiện này được ví như chuyện bức tường Bá Linh bị triệt hạ.

Trong caí danh sách được sắp theo thứ tự từ A đến Z những nhà cung cấp chi tiết diện tử hay lắp ráp sản phẩm cho Apple nổi cộm lên tên Foxconn, một công ty cuả Đài Loan có trị giá trên 119 tỉ USD nổi tiếng là mạnh nhất thế giới trong lãnh vực lắp ráp thiết bị điện tử. Cơ xưởng sản xuất cuả Foxconn ở "đặc khu kinh tế" ShenZhen trên lãnh điạ nước Trung Hoa cộng sản, nơi luật lệ sản xuất kinh doanh được "thoáng" đến mức tối đa đã tập trung trên nửa triệu lao động rẻ từ nông thôn về đó, nơi mà hầu hết Ipods, Ipads (cuả Steve Jobs) được lắp ráp.

Từ năm 2006, sau những đợt công nhân Foxconn nhảy lầu tự tử người ta đã có những báo cáo về tình trạng tồi tệ trong môi trường sản suất cuả Fexconn. Công nhân được tập trung ăn ở tại xưởng, sống trong nhửng gian phòng chật chội, làm việc suốt 8 giờ đồng hồ, không có chuyện nghỉ giải lao, thâm chí không được đi đái. Nhiều phần việc phảỉ đứng không được ngồi. Họ bị giám sát chặt chẻ bởi đội ngũ nhân viên an ninh tàn bạo. Những kẻ ta thán, hay xầm xì về chế độ làm việc và ăn ở sẽ bị gán tội "quấy rối" và bị vào sổ đen (để đe dọa, đánh đập). Những hạn chế pháp lý về tuổi tác lao động, giờ giấc lao động, điều kiện lao động được chính quyền làm ngơ. Kết quả là đã có nhiều công nhân ngã xuống chết ngay chổ. Chất Hexan dùng trong việc lau chùi các màn hình trước khi đóng gói sản phẩm được công nhận là chất độc tác hại lên hệ thống thần kinh nếu tiếp xúc thường xuyên. Trong dây chuyền sản xuất cho Apple, 137 công nhân đã bị nhiễm độc năm 2006. Những vụ nổ do bụi nhôm năm ngoái đã làm 4 người chết và 77 người bị thương.

Nhưng điều khốn nạn cho Foxconn nhất là làn sóng công nhân tự tử. Trong năm 2010 có 18 vụ trong đó 14 người tìm được cái chết. Điều đáng nói là 17 người đã nhảy từ trên những nóc xưởng Foxconn xuống đất như thể họ muốn báo động cho thế giới biết đến sự tuyệt vọng của họ. Foxconn đã phải dựng chung quanh nóc nhà cuả các xưởng máy một hàng rào lưới chống tự tử.

Ngày 6 tháng 1, 2012 vưà qua Mike Daisey, một nghệ sĩ sân khấu Mỹ trong chương trình "This American Life" một phóng sự cuả đài NPR, người từng tuyên bố mình "siêu hâm mộ" Apple, đã tường thuật chuyến đi "tham quan" Foxconn nơi mà hầu hết các sản phẩm Apple được lắp ráp như sau:

"Trong hai giờ đồng hồ đầu tiên của ngày đầu tiên đứng trước cổng của Foxconn tôi gặp 12 công nhân tuổi chỉ 13, 14. Bạn có nghĩ là Apple không biết chuyện này không? Cái công ty bị ám ảnh đến từng chi tiết cực kỳ nhỏ nhặt như bụi nhôm phải được xay cho nhuyễn đến cự ly nào, cái màn thủa tinh phải gắn sát vào khung như thế nào mà bạn có thể tin là họ không biết (có đám công nhân 13-14 tuổi đang làm việc trong xưởng cuả họ) hay sao? Cả công ty Apple và Foxconn sau đó không đưa ra bình luận gì về chuyện này.

Ngaỳ 16 thang 1, John Stewart trong chương trình Daily Show có đoạn mệnh danh là "Xưỏng Máy Kinh Hoàng" đã chiếu những đoạn phim về khu ăn ở cuả công nhân và những vụ tự tử, ông ta lưu ý khán giả rằng nếu công nhân thành lập công đoàn sẽ là cách họ tự dẫn mình đi thẳng vaò tù cuả chính phủ Trung Quốc. Nhưng rồi ông mỉa mai thêm rằng:

"Nhưng tôi tự hỏi hai nơi đó có gì khác nhau đâu?"

Rồi ông rống lên:

"Đây là chuyện kinh tởm mà tôi là kẻ đồng lõa vì tôi có một Xbos, một Iphone...tôi phảỉ quăng chúng đi"

Tuy nhiên, Steve Jobs đã chọn thái độ không tìm hiểu, không phản ứng lại với những dư luận, tai tiếng về những nhà thầu cho mình. Chiến lược đó đã rất hiệu quả, sau khi ông ta chết, năm 2011 tổng giá trị cuả công ty lên đến 400 tỉ USD và lợi nhuận quí 4 năm 2011 đạt đến 13 tỉ USD.


(Nguồn: Tiếng Thông Reo )

Post a Comment

 
Copyright © 2013 TÂM LINH | Powered by Blogger