Tuesday, October 28, 2014

Giết chó - nỗi ám ảnh về cái ác và sự lừa dối

Cái cảnh một hôm có người buôn chó đến nhà, bảo gia chủ kiếm bát thức ăn ra dụ chó, con chó mừng rỡ chạy đến vừa cúi xuống thì họ giơ thòng lọng ra xiết chặt cổ. Nó kêu lên ăng ẳng, mắt ngấn lệ rồi ném cái nhìn oán trách vào gia chủ.

Mỗi quốc gia, dân tộc có những bản sắc, nét văn hóa khác nhau. Đem ra áp đặt, so sánh thì thật là khập khiễng. 

Cùng với truyền thống ăn chay của Phật giáo, việc kiêng thịt chó dần dần hình thành và trở thành một tín ngưỡng dân gian về kiêng thịt chó ở Việt Nam.

Người ta vẫn giết thịt các con vật như: trâu, bò, lợn, gà (hay như ốc sên và những vật khác ở các nước)...như một chuyện bình thường nhưng không ai đi tranh cãi về việc giết các con vật ấy vì cho rằng đó là chuyện đương nhiên. 

Nhưng vì sao ăn thịt chó lại gây nhiều tranh cãi đến vậy?

Nếu nói thịt chó là nét văn hóa ẩm thực thì e quá chủ quan vì nét văn hóa ẩm thực nó thường gắn liền với địa phương, vùng miền cụ thể. Và văn hóa ẩm thực thường hướng đến cái thiện, sự lành mạnh, hài hòa, được con người đón nhận, ca tụng (nó khác hoàn toàn với món ăn khoái khẩu). 

Văn hóa ẩm thực không chỉ là thưởng thức món ăn ngon, có ý nghĩa về vật chất mà nó còn có ý nghĩa về mặt tinh thần.

Vậy món thịt chó có đáp ứng được những ý nghĩa đó?

Cuộc tranh cãi này sẽ chẳng có hồi kết vì điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào cách nghĩ, cách cảm của mỗi người. 

Nhưng theo tôi, ăn thịt chó chỉ là món ăn khoái khẩu của phần ít người, còn phần đông là ghê sợ hoặc ít khi ăn thịt chó. 

Quan niệm kiêng thịt chó đối với người thường và đặc biệt đối với người tu hành là một quan niệm được hình thành trong dân gian. 

Có lẽ, đây là kết quả của sự pha trộn giữa quan niệm ăn chay Phật giáo và tín ngưỡng dân gian.

Thiển nghĩ, chó là loài vật thân thiết, gắn bó, trung thành và có ích đối với đời sống con người nên thường được con người xem như bạn hữu, thậm chí như một thành viên trong gia đình. 

Khi còn sống, chó được con người đối xử nhân hậu, thường được vuốt ve, tâm sự và lúc chết được chôn cất chu đáo.
 
Do đó, đánh đập hoặc giết hại chó là một hành vi bất nhẫn, ăn thịt chó lại càng bất nhẫn và táng tận lương tâm hơn.


chó, thịt chó, văn hóa ẩm thực
Ảnh minh họa 



Riêng chuyện về chó và ăn thịt chó, tôi xin có đôi lời chia sẻ về con chó trong đời sống tinh thần người Việt và con chó bằng xương bằng thịt ngoài đời rồi để tự mỗi người có cảm nhận và suy nghĩ.

Con chó trong đời sống tinh thần thường được so sánh liên tưởng tới tính cách con người.

Yêu như cún con - Không chỉ người các nước mà người Việt Nam cũng rất yêu con vật này. 

Nó là con vật nuôi gần gũi với mỗi người. 

Làng quê Việt Nam đâu mà chẳng có tiếng chó. Đi xa về làng, đi làm đồng về đến ngõ, nghe tiếng chó sủa, vẫy đuôi mừng ai cũng thấy ấm lòng. 

Thử hỏi ngoài con người ra có con vật nào được yêu quý như chó (và mèo)?

Chẳng thế mà người ta gọi chó là chú, đặt cho chú những cái tên hay, cho chú ăn thức ăn (kể cả thức ăn ngon) của con người, ôm ấp chú. 

Chó đáng yêu đến nỗi người ta thường gọi con, gọi cháu là con cún con, thằng cún con; con chó, thằng chó con của bố, mẹ, ông, bà.  “Thằng chó con của mẹ”- khi tôi gọi con tôi (ngay cả khi nó đã là chàng trai rồi) như vậy thì còn hạnh phúc nào hơn? 

Vậy con vật nào đáng yêu bằng chó? Vậy ta có ăn thịt “con cún” đó không?

Ở một thái cực khác, chó là con vật bị ghét nên được ví với những đối tượng mà người ta chê bai, khinh ghét đến nỗi nó trở thành những khẩu ngữ thông dụng trong đời sống. 

Chẳng hạn chửi người mà người ta ghét: Đồ chó đẻ, đồ chó, ngu như chó, giống chó, loại chó má, con người không bằng con chó...

Chê bai việc ở rể: Chó chui gầm chạn.

Thương cảm (có thể chê bai) người hoàn cảnh khó khăn: Chó cắn áo rách.

Phê phán thói xấu: Chó cùng rứt dậu, chó già giữ xương.

Nói về cuộc sống không hòa thuận: Như chó với mèo.

Nhưng suy cho cùng, đó là để nói về thói hư tật xấu của con người, con chó không xấu như vậy.

Con chó thật ngoài đời là vật nuôi, ngoài việc trông nhà thì nó nó còn để người ta làm thịt. Thịt chó, mắm tôm là món khoái khẩu để rồi sinh ra mọi phiền toái đến nỗi “chết không chừa”.

Chẳng thế mà mới sinh ra bọn trộm chó, bắn chó, bẫy chó. Bắn chó lại trượt phải người. 

Có nơi dân làng bị mất chó nhiều, họ phục kích bắt được và đánh kẻ trộm chó đến chết. (Tội này có đáng chết không nhỉ?).

Chẳng thế mới sinh ra các quán thịt chó mà nổi tiếng ở vùng đê Yên Phụ - Nhật Tân, ngày mỗi ngày quý khách sành điệu khoái khẩu kéo về, mùi thịt nướng thơm lừng một vùng ven đê thơ mộng.

Đi trên đường bắt gặp những cái lồng sắt nhốt chó từ khắp nơi chở về thủ đô, những con chó lo sợ, ngậm ngùi cho thân phận bạc mệnh của mình, cho sự bạc bẽo của nhân tình thế thái. 

Hôm qua nó còn là “bạn thân” vẫy đuôi mừng của gia chủ nhưng hôm nay đã bị tống tiễn về với “suối vàng”.

Ghê sợ hơn nữa là cảnh những con chó bị thui đen, mổ bụng, nhe răng trắng ởn bị buộc chặt sau xe máy đi nhông nhông ngoài đường về các quán nhậu. 

Làng quê Việt Nam nào cũng có thấp thoáng bóng con vật nuôi này. Nhiều nhà nuôi chó đến độ nào đó thì bán hoặc giết thịt. 

Cái cảnh một hôm có người buôn chó đến nhà, bảo gia chủ kiếm bát thức ăn ra dụ chó, con chó mừng rỡ chạy đến vừa cúi xuống thì họ giơ thòng lọng ra xiết chặt cổ. 

Nó kêu lên ăng ẳng, mắt ngấn lệ rồi ném cái nhìn oán trách vào gia chủ. 

Cái giây phút mủi lòng này tôi đã từng trải qua và dám chắc nhiều người trong chúng ta cũng đã từng chứng kiến. 

Đó là nỗi ám ảnh về cái ác và sự lừa dối. 

Bất kể cái ác này được lý giải với bất cứ lý do nào.

Vậy ta còn lòng dạ nào ăn thịt chó nữa không?

Hướng tới cái thiện, kết hợp với vấn đề ăn chay của Phật giáo, mà dần dần trở thành một tín ngưỡng dân gian VN về kiêng thịt chó gắn với Phật giáo. 

Mà Việt Nam Phật giáo là quốc giáo nên càng có cơ sở để kết luận về điều này.

Ngoài ra, khi cuộc sống văn minh hơn, người Việt Nam sẽ không còn ăn thịt chó?
Thu Sang/VietNamNet

Wednesday, October 15, 2014

Phật giáo là gì?

                                           Dhammika sinh năm 1951 ở Úc.

Phật Giáo là gì?

Phật Giáo là một tôn giáo có khoảng 300 triệu tín đồ trên khắp thế giới. Danh từ Phật Giáo (Buddhism) phát nguồn từ chữ “buddhi”, có nghĩa “giác ngộ”, “thức tỉnh”. 

Phật Giáo phát nguồn từ hơn 2,500 năm trước, khi Ngài Siddhattha Gotama (Sĩ-đạt-ta Cồ-đàm), hay Đức Phật, tự mình giác ngộ vào lúc 35 tuổi.

Có phải Phật Giáo chỉ thuần là một tôn giáo?

Đối với nhiều người, Phật Giáo không phải chỉ là một tôn giáo mà còn có thể xem như là một triết học, hay đúng hơn, đó là “một lối sống”. 

Gọi Phật Giáo là một triết học, vì danh từ “triết học – philosophy” có nghĩa là “sự yêu chuộng trí tuệ”, và con đường của đạo Phật có thể tóm tắt như sau:

(1) sống có đạo đức,
(2) nhận thức rõ ràng về mọi ý nghĩ và hành động, và
(3) phát triển sự hiểu biết và trí tuệ.

Phật Giáo giúp tôi bằng cách nào?

Đáp: Phật Giáo giải thích mục đích của đời sống, giải thích hiện tượng bất công và bất bình đẳng trên thế gian, và cung ứng một phương cách thực hành hay một lối sống để đưa đến hạnh phúc thật sự.

Tại sao Phật Giáo trở nên phổ biến?

Phật Giáo ngày càng phổ biến ở các nước Tây phương vì nhiều lý do. 

Thứ nhất là vì Phật Giáo có những giải đáp cho nhiều vấn đề trong các xã hội vật chất hiện đại. 

Tiếp đến, cho những ai có chú tâm, Phật Giáo cung ứng một sự thông hiểu sâu sắc về tâm trí con người và các cách trị liệu tự nhiên, mà các nhà tâm lý nổi tiếng trên thế giới đều công nhận là rất cao cấp và rất hiệu quả.

Đức Phật là ai?

Ngài Siddhattha Gotama sinh ra vào năm 563 trước Tây Lịch, trong một hoàng tộc tại Lumbini, nay thuộc xứ Nepal. Vào năm 29 tuổi, Ngài nhận thức rằng tiện nghi vật chất và an ninh trong thế gian không bảo đảm hạnh phúc; vì thế, Ngài đi tìm học các lời dạy, tôn giáo và triết học thời đó, để tìm kiếm chìa khóa đưa đến hạnh phúc. Sau sáu năm học tập và hành thiền, Ngài tìm ra con đường “Trung Đạo” và giác ngộ. 

Sau khi chứng đắc, Ngài dùng quảng đời còn lại tại thế gian để truyền giảng các nguyên lý trong đạo Phật — gọi là Pháp, hay Chân lý, cho đến khi Ngài nhập diệt vào năm 80 tuổi.

Có phải Đức Phật là Thượng Đế?

Không, Ngài không là Thượng Đế, và Ngài cũng không tuyên bố như thế. Ngài là người giảng dạy con đường đưa đến giác ngộ, từ kinh nghiệm thực chứng của Ngài.

Phật tử có tôn thờ các thần tượng không?

Đáp: Những người Phật tử tỏ lòng tôn kính các hình ảnh của Đức Phật, nhưng không tôn thờ, cũng không van xin những điều lợi lạc. 

Một pho tượng Phật ngồi trong tư thế với hai tay dịu dàng đặt trên vế, với nụ cười từ bi, nhắc nhở chúng ta nỗ lực phát triển tình thương và an định nội tâm. Lễ lạy tượng Phật là để tỏ lòng biết ơn về các lời dạy của Ngài.

Tại sao nhiều quốc gia Phật Giáo lại nghèo như vậy?

Đáp: Không hẳn đúng như vậy. Nhật Bản là một quốc gia có truyền thống Phật Giáo sâu đậm và ngày nay cũng là một quốc gia có kinh tế giàu mạnh. Thái Lan, với Phật giáo là quốc giáo, cũng có một nền kinh tế tương đối vững mạnh và phát triển. 

Tuy nhiên, chúng ta cần biết rằng một trong các điều dạy của Phật Giáo là tài sản của cải không bảo đảm được hạnh phúc, và tài sản của cải cũng không bao giờ thường còn. Dân chúng trong bất kỳ quốc gia nào cũng chịu đau khổ, cho dù họ giàu sang hay nghèo nàn. 

Chỉ những người nào thông hiểu các lời dạy trong Phật Giáo thì mới có thể tìm được hạnh phúc thật sự.

Có phải có nhiều tông phái Phật Giáo không?

Có nhiều tông phái trong Phật Giáo là vì có những khác biệt về văn hóa và truyền thống lịch sử của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, căn bản của Phật Giáo vẫn không thay đổi, đó là Pháp hay Chân lý.

Có phải các tôn giáo khác đều sai lầm?

Đáp: Phật Giáo là một hệ thống tín ngưỡng có tính bao dung đối với các tín ngưỡng hay tôn giáo khác. 

Phật Giáo chấp nhận các lời giảng đạo đức của các tôn giáo khác, nhưng Phật Giáo còn tiến xa hơn, bằng cách cung ứng một mục tiêu dài hạn trong sự hiện hữu của chúng ta, qua trí tuệ và sự hiểu biết thật sự. Phật Giáo chân chính thì rất bao dung, và không quan tâm đến các nhãn hiệu như là “tín hữu Ky-tô giáo”, “tín hữu Hồi giáo”, “tín hữu Ấn-độ giáo”, hay “Phật tử”. 

Vì vậy, trong lịch sử, không bao giờ có các cuộc thánh chiến mang danh Phật Giáo. Cũng vì thế mà những người Phật tử không đi truyền giảng hay cải đạo người khác; họ chỉ giảng giải nếu được ai hỏi đến.

Phật Giáo có tính khoa học không?

Khoa học là tri thức được kết hợp thành hệ thống, qua các dữ kiện được quan sát và thực nghiệm và đề ra các định luật tổng quát của thiên nhiên. 

Cốt lõi của Phật Giáo phù hợp với định nghĩa đó, bởi vì Tứ Diệu Đế hay Bốn Sự Thật Thâm Diệu, có thể được thử nghiệm và minh chứng bởi bất kỳ người nào, và ngay chính Đức Phật cũng đã từng nói với các đệ tử rằng họ phải thực chứng các lời dạy của Ngài, mà không nên chỉ tin suông. Phật Giáo dựa nhiều trên trí tuệ, hơn là lòng tin.

Đức Phật đã dạy những gì?

Đáp: Đức Phật đã giảng dạy rất nhiều đề tài, nhưng các điều căn bản trong Phật Giáo có thể tóm tắt trong Tứ Diệu Đế và Bát Chánh Đạo.

Diệu đế thứ nhất là gì?

Khổ Đế, chân lý thâm diệu đầu tiên, nói rằng đời sống là đau khổ, nghĩa là phải chịu đau đớn thể xác, già nua, bệnh hoạn, rồi chết. 

Ta cũng phải chịu đau khổ về mặt tâm lý như cô đơn, phiền giận, bực bội, sợ hãi, bối rối, thất vọng, sân hận. Đây là một sự kiện hiển nhiên, không thể chối cãi. 

Đây là thực tế khách quan, không phải bi quan; vì bi quan là mong đợi những điều gì trở nên tệ hại. Mặt khác, Phật Giáo giải thích cách thức giải quyết các đau khổ đó và cách thức để có hạnh phúc thật sự.

Diệu đế thứ nhì là gì?

Tập Đế, chân lý thâm diệu thứ nhì, dạy rằng tất cả mọi đau khổ đều do ái dục và tham thủ. Ta sẽ bị phiền khổ nếu ta mong đợi người khác phải tuân theo ý muốn của mình, phải làm giống như mình, nếu ta không được những gì mình muốn, v.v. 

Ngay cả khi ta muốn và được, điều này cũng không bảo đảm có hạnh phúc. Tâm khát khao ham muốn cướp đoạt của ta niềm vui được thỏa lòng và hạnh phúc. 

Thay vì kiên trì chiến đấu để thành đạt điều mong muốn, hãy cố gắng sửa đổi chính cái lòng ước muốn của mình.


Diệu đế thứ ba là gì?

Diệu Đế, chân lý thâm diệu thứ ba, là có thể chấm dứt đau khổ và đạt được trạng thái thỏa lòng và hạnh phúc. 

Khi ta dứt bỏ ái dục, vốn là vô ích, và tập sống từng ngày, chúng ta bắt đầu sống an vui và tự do. Chúng ta sẽ có nhiều thì giờ và năng lực để giúp đỡ người khác. 

Trạng thái ấy được gọi là Niết Bàn.

Diệu đế thứ tư là gì?

Đáp: Đạo Đế, chân lý thâm diệu thứ tư, là con đường đưa đến chấm dứt đau khổ. Con đường này gọi là Bát Chánh Ðạo.

Bát Chánh Đạo là gì?

Đáp: Đó là con đường gồm 8 yếu tố chân chánh: Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm, và Chánh Định. Đây là con đường của đạo đức và tỉnh thức — qua lời nói, ý nghĩ và hành động, và phát triển trí tuệ bằng sự nhận thức rõ ràng về Tứ Diệu Đế và bằng sự tăng trưởng lòng từ bi.

Ngũ giới là gì?

Đây là năm điều giới luật đạo đức của Phật Giáo. 

Đó là: không sát hại, không lấy của không cho, không tà dâm, không nói dối, và không dùng các chất say làm lu mờ trí óc.

Nghiệp là gì?

Đáp: Nghiệp hay “nghiệp-quả” là một định luật cho biết rằng mỗi một nguyên nhân đều tạo ra một hậu quả, có nghĩa là các hành động của ta đều có những hậu quả. 

Định luật đơn giản này đã giải thích nhiều vấn đề: sự bất công trên thế gian, tại sao có người sinh ra lại có phế tật, có người lại có nhiều tài năng, có người có đời sống rất ngắn ngủi. 

Nghiệp cho thấy tầm quan trọng về việc tất cả chúng ta phải chịu trách nhiệm về các hành động của chính mình, trong quá khứ và hiện tại. Làm thế nào để thử nghiệm tác động nghiệp quả của các hành động của ta? 

Câu trả lời được tóm tắt bằng cách hãy nhìn xem 3 điểm chính:

 (1) ý định đằng sau của mỗi hành động, 

(2) hậu quả của hành động đó vào chính mình, và 

(3) hậu quả của hành động đó vào những người khác.

Trí tuệ là gì?

Trong Phật Giáo, Trí tuệ phải được phát triển cùng với Từ bi. 

Trong một cực đoan, bạn có thể là một người tốt bụng nhưng khờ dại, và trong một cực đoan khác, bạn có thể có nhiều kiến thức nhưng lại không có tình cảm. 

Phật Giáo dạy ta nên giữ thật sự cân bằng và trọn vẹn cả hai, phải trau giồi cả trí tuệ lẫn và từ bi. Trí tuệ cao nhất là thấy rõ ràng rằng trên thực tế, mọi hiện tượng đều không hoàn toàn, không thường còn, và không có một thực thể cố định. 

Trí tuệ thật sự không phải chỉ vì tin vào những gì được dạy, mà phải chứng nghiệm và thông hiểu chân lý và thực tế. Trí tuệ đòi hỏi phải có một tâm ý rộng mở, khách quan, không cố chấp. 

Con đường của Phật Giáo đòi hỏi phải can đảm, nhẫn nhục, mềm dẻo và thông minh.

Từ bi là gì?

Từ bi bao gồm các phẩm hạnh của lòng san sẻ, sẵn sàng an ủi người khác, thiện cảm, chăm lo và ưu tư. Trong Phật Giáo, ta chỉ thật sự cảm thông người khác khi nào ta thật sự cảm thông chính mình, qua trí tuệ.


Tôi phải làm thế nào để trở thành một Phật tử?

Bất cứ ai cũng có thể tìm hiểu và thực nghiệm các lời dạy của Đức Phật. Ngài dạy rằng lời giải đáp cho mọi vấn đề của chúng ta là ở bên trong chúng ta, không phải ở bên ngoài. 

Ngài nói với các đệ tử không được tin ngay vào lời dạy của Ngài, mà họ phải tự thử nghiệm các lời dạy đó. 

Như thế, mỗi người tự có quyết định và tự chịu trách nhiệm về các hành động và sự hiểu biết của mình. 

Điều này cho thấy Phật Giáo không phải là một tập hợp cố định các tín điều cần phải được chấp nhận trọn vẹn. Đây là những lời dạy để mỗi người tự tìm hiểu, học tập và áp dụng theo tình huống riêng của mình.

 Lược dịch từ bài “Basic Buddhism: A Five-Minute Introduction” (Căn bản Phật giáo: Giới thiệu trong năm phút), trong quyển “Good Question, Good Answer” (Khéo Vấn, Khéo Đáp) của Bhikkhu Dhammika, ấn bản Internet (http://www.buddhanet.net/).

Tỳ khưu DHAMMIKA
  Lương y Nguyễn Văn San - Theo BÌNH ANSON lược dịch


Ăn chay đúng cách và đầy đủ



Theo bản kê của phái Thực dưỡng (macrobiotic) thì các món ăn được chia thành cực âm tới cực dương. 

Các loại ngũ cốc (gạo, lúa mì…) là quân bình nhất tức là món ăn chính với điều kiện còn lứt, tức còn cám chưa chà xát cho trắng mất hết chất bổ.

Bên phần dương là các loại đạm của động vật gồm các động vật của các loài ở biển (cá, tôm, cua..) và các con thú (nuôi trong nhà hay hoang dã), các loài chim, gia cầm và các sản phẩm của chúng như trứng, sữa, bơ…

Bên phần âm là các loài thực vật (thảo mộc) như các loại đậu, củ, rau và âm nhất là trái cây, các loại cà, nấm, măng… Như vậy người ta ăn chay nhất là ăn chay trường dễ bị các bệnh về âm vì ăn các loại âm.

Người ăn chay không bị bệnh hay ít bị các bệnh mà người ăn mặn mắc phải như béo phệ, huyết áp cao, xơ mỡ động mạch, bón, trĩ, tim, dạ dày, ung thư, … nhưng lại dễ bị bệnh thiếu máu, huyết áp thấp, tiêu chảy, đái đường, phổi và cũng có thể bị ung thư vì quá âm.

Nếu ta ăn uống quá âm, mất quân bình thì dễ mắc bệnh, nghĩa là ăn không đúng cách. Ví dụ ăn quá nhiều trái cây, uống quá nhiều nước, ăn quá nhiều canh hay xúp. 

Mới đây một bạn ở Victoria điện thoại cho tôi, nói vì anh ở nông trại có nhiều cây có trái nên anh ta lạm dụng ăn nhiều trái cây và uống quá nhiều nước, sau đó bị bại liệt, nằm một chỗ không đi được, phải ăn theo phương pháp Ohsawa (gạo lứt muối mè) trong hai năm, nay lành bệnh và đã lập gia đình. 

Vì anh là người Thiên Chúa Giáo, nên tôi tin rằng trước khi bị bệnh anh là người ăn mặn (thịt, cá…), tuy nhiên vì lạm dụng trái cây và nước uống nên anh vẫn bị bại liệt như thường huống chi là các bạn ăn chay trường (không có đạm động vật làm dương) thì còn dễ bị bệnh biết bao!

Về đầy đủ thì người ăn chay ăn quá kham khổ nên cũng bị bệnh, như cứ ăn ròng gạo lứt muối mè quá lâu hay chỉ ăn tương chao, rau muống, muối tiêu thì không đủ chất bổ, lẽ tất nhiên cơ thể suy nhược sẽ có nhiều bệnh xẩy ra do thiếu nhiều chất như sinh tố, khoáng, đạm thực vật, …

1/ Chất bột (glucide)

Bắt buộc người ăn chay trường phải có ngũ cốc còn lứt, tức là còn cám (cơm và bánh mì điều phải lứt). So sánh các món ăn của người ăn chay thì cơm và bánh mì lứt là dương nhất. 

Nên không có dương này để cân bằng phần quá âm của đồ ăn thì sẽ có bệnh. Chúng tôi đã gặp nhiều cư sĩ tại gia ăn chay trường bị rất nhiều bệnh vì ăn chay không đúng cách, như đái đường, tim, trĩ, mất ngủ, thận, bọng đái, bại liệt, lao, bao tử, gan và nhiều bệnh khác..

Trong cuốn ‘Ăn chay’ của bác sĩ Đào Tuấn Kiệt xuất bản 1966 tại Long Xuyên bác sĩ đã phân tách trong một kg gạo lứt có 100 gram chất đạm cho một năng lượng là 3437 calo trong khi thịt bò cho 1330 calo và đậu nành cho 3173 calo. 

Vậy kể về nhiệt lượng, những người ăn cơm gạo lứt có đủ sức để làm các công việc như người ăn mặn (thịt, cá…) và có sức chịu lạnh cao!

Trong gạo lứt có đầy đủ các loại chất bổ mà không có thức ăn nào dù động vật hay thực vật có đủ để thay thế cho nó cả. 

Như các loại acid amin, chất béo, chất bột, chất xơ, các loại sinh tố, các loại khoáng, nói tóm lại là món ăn trường sinh tăng tuổi thọ vô địch mà không có loại thuốc quí nào của đông tây y có thể thay thế, kể cả sâm nhung!

Nhiều nhà nghiên cứu Việt Nam đều ca tụng gạo lứt như nha sĩ Hồ Quan Phước trong cuốn ‘Mạnh Khỏe Trẻ Trung Do Thực Phẩm Hợp Thời’, bác sĩ kiêm dược sĩ Trương Kế An trong ‘Thuật Dưỡng Sinh’, bác sĩ Nguyễn Huy Dung và Phạm Kiến Nam trong ‘Y Học và Tuổi Già’ – tập 1. 

Kinh nghiệm cho thấy các tăng sĩ trong Phật Giáo xưa như các vị tăng thống và nhiều vị khác có tuổi thọ khá cao từ 90 đến 100 tuổi đều có cách ăn chay dùng gạo lứt làm căn bản (vì ngày xưa đâu có gạo xay bằng máy) mà chỉ giã bằng chày và cối, là một minh chứng sống động và hùng hồn nhất. Ngoài gạo, bánh mì, nên dùng nếp lứt, kê lứt, bo bo lứt và riêng hắc mạch (buckwheat) rất tốt để trị ung thư.

2/ Chất đạm (protides)

Để có đủ chất đạm (protides) mà người ăn mặn có trong thịt cá và các loài động vật, người ăn chay có chất đạm trong các loại đậu.

Đứng đầu là đậu nành (soy hay soya bean) 1 kí lô đậu nành có đủ chất đản bạch của 31 quả trứng hay 7 lít sữa hoặc 1 kí lô thịt. 

Đậu nành có trong đậu phụ hay đậu khuôn (soya cake), tương nước (tamari), tương đặc (miso) hay đậu hũ. 

Tương nên làm mặn không nên chua; ăn có hại cho bao tử. Chao ăn ít vì lên men có thể sình bụng, no hơi, khó tiêu. 

Đậu xanh có nhiều chất sắt, mát gan, lọc máu dùng trong mùa hè nóng nực. Giá đậu xanh; nhiều sinh tố E. Đậu đỏ (red bean hay azuki) bổ thận âm và dương. 

Đậu đen (black bean) bổ tỳ, bổ thận dương. Đậu trắng, đậu ván (ở Úc không có loại này. Ở miền Trung tại Huế và Nha Trang có trồng nhiều) an thần, ngủ ngon, giải nhiệt. 

Đậu phụng (hay lạc, peanut): có nhiều acid amin tốt cho tuổi già. Mè (vừng, seame): rất bổ, được các tài liệu đông và tây y công nhận (mà ăn chung với đậu phụng vì trong mỗi thứ có một số acid amin mà thứ kia không có, ăn cả hai thứ cùng một lúc mới đủ bổ). 

Các loại đậu như O-ve (haricot vert) đậu petit pois, đậu lentilles (lentil) đậu Hòa Lan, đậu Đũa v.v.. đều bổ.

3/ Chất béo (lipide)

Có trong các loại dầu thảo mộc: đậu phụng, đậu nành, mè, hướng dương (sun flower), bắp (corn), oli (olive) … và trong các loại bơ (butter) thảo mộc hay trong các hột (seeds), trái dừa, trái bơ…

4/ Sinh tố (vitamins)

Xếp theo âm dương thì sinh tố A, D dương, các sinh tố B quân bình âm dương (có trong gạo lứt rất nhiều) và sinh tố C âm (có trong các trái cây và rau dưa).

Sinh tố A có trong cà rốt, các loại khoai có màu vàng trong ruột, trái trứng gà, bí ngô, các loại dầu, bắp, tương do đậu nành làm ra, đậu xanh và đỏ, lá rau dền, diếp quan (chicorec), xoài, đu đủ, hồng…
Sinh tố D có nhiều trong các dầu thảo mộc, bơ thảo mộc, dầu thảo mộc.

Sinh tố E có nhiều trong các phần của thảo mộc như lá, búp non, các mầm và mộng (mộng lúa, giá sống) các loại dầu thảo mộc.

Sinh tố P có trong lá trà (chè) xanh, chanh, cam, quít, đậu phụng.

Sinh tố V có trong các cải bắp.

Sinh tố K lá các loại rau.

Sinh tố F trong các loại dầu thảo mộc (có nhiều iode).

Sinh tố C có nhiều trong các trái cây và rau dưa, nhiều nhất trong ớt loại to, rau dền, cải, su bông, cam, chanh, chuối, xoài, đu đủ, v.v…

Chúng ta không nên kiêng cữ các sinh tố loại C (âm). Người mạnh nếu dùng gạo lứt và bánh mì lứt làm món ăn chính thì vẫn có thể ăn vừa phải, trừ khi có bệnh và tùy một số bệnh quá âm thì phải kiêng cữ.

5/ Chất khoáng (minerals)

Chất khoáng có nhiều trong gạo lứt, tương, nước suối thiên nhiên và rong biển (sea vegetable). 

Theo tiên sinh Ohsawa vì nước biển là âm mà rong ở dưới đó nên nó rất dương, nhất là loại rong Hiziki màu đen vì nó ở dưới độ sâu của biển. 

Sau này các môn đệ của Ohsawa đã thay công thức muối mè của ông bằng rong biển trong nhiều loại bệnh nhất là trong tất cả các loại bệnh ung thư họ đều khuyên ăn rong vì rong ở biển nó hấp thụ muối thiên nhiên rất quý trong các tế bào của nó vì sống trong môi trường đó nên thứ muối này rất quý còn hơn muối ta ăn và vì tính cách dương của nó còn hơn cây mè trên đất liền.

Phân tách thành phần của bữa ăn

Theo Tây y thì một bữa ăn bổ phải có đủ thành phần của chất bột (glucide) chất đạm (protide) và chất béo (lipide), sinh tố và khoáng. 

Theo nhiều tại liệu thì người Việt Nam trung bình cần 2300 calori một ngày gồm có:

- Glucide – bột: 76% cho 1748 calo
– Protide – đạm: 12% cho 276 calo
– Lipide – béo: 12% cho 276 calo.

Thực đơn này áp dụng cho người ăn chay trường là đúng vì rất ít chất đạm và béo của (thịt, mỡ). Nếu tính 1 gram glucide hoặc 1 gram protide cung cấp cho cơ thể 4.1 calo, 1 gram lipide cung cấp cho cơ thể 9.3 calo thì số lượng ăn trong một ngày là:

- Glucide = 1748/4.1 = 426 gram
– Protide = 276/4.1 = 67 gram.
– Lipide = 276/9.3 = 29 gram

Như vậy khẩu phần ăn chính sẽ là gạo lứt, bánh mì lứt, các loại bột lứt… tổng cộng 426 gram chưa đầy nữa kilo, tức là 2 lon gạo (lon sữa), các đồ ăn cũng ít, không nhiều. 

Nếu bạn là thanh niên hay lao động mà ăn chay trường thì cần thêm gạo và đồ ăn sao cho đủ sức làm việc vào khoảng 3000 calo mỗi ngày. Nếu bạn là đàn ông thì cần calo nhiều hơn đàn bà, và về mùa đông giá lạnh thì cần tăng thêm ba thành phần trên để đủ sức chống lạnh.

Theo Ohsawa khi đến Việt Nam năm 1965 ông đã căn cứ vào một xứ nhiệt đới để đưa ra thành phần bữa ăn như sau:

- 50-60% các cốc loại như gạo và các ngũ cốc
– 30-40% các thức ăn phụ như các loại đậu, củ, các chất béo, rau, dưa
– 5% canh hay xúp có rong biển, rau củ
– 5% trái cây các loại.

Nhà Ohsawa (do nhóm Anh Minh Ngô Thành Nhân) ở Sài Gòn sau 30 năm nghiên cứu đưa ra một thực đơn gồm có:

- Thức ăn chính 50-60% gạo lứt (cơm, cháo hay bột gạo lứt làm các loại bánh, hủ tiếu, mì..) và các loại ngũ cốc khác như bắp, nếp,bobo, kê v.v..

– Muối mè và đậu phụng độ 1% hoặc các loại bơ mè đậu phụng
– 29-35% thức ăn phụ gồm các món ăn: rau, củ, tương, rong biển, v.v..
– 10% các loại đậu hạt như đậu đỏ, đậu đen… nấu chung với cơm tức là độn thêm hoặc là nấu chung với rau củ…
– 5-10% trái cây.

Theo chúng tôi vì ở Úc khí hậu khác với Việt Nam và mùa đông tương đối lạnh hơn Sài Gòn, số lượng trái cây nên giảm xuống về mùa đông từ 2% đến 5% (bớt âm) và tăng phần dương lên bằng 5% (canh hay xúp rong biển vì ở Việt Nam rong biển khó mua ít nhập cảng rất đắt) và tăng phần gạo lứt tối đa 60% bữa ăn để thêm calo chống lạnh và giảm còn 50% gạo lứt vào mùa nóng.

 Thức uống
 
Uống nước đung sôi, để nguội. 

Gạo lứt rang vàng sậm làm trà nấu uống rất tốt (mùa hè bỏ thêm hoa cúc cho mát và thơm, mùa đông bỏ ít tí gừng dễ tiêu, và ấm cơ thể). 

Nếu có được lá cây chè (tea) xanh và già, người Nhật gọi là bancha uống rất quý. Chúng tôi đề nghị mỗi chùa có đất nên trồng một số cây chè để hái lá uống tốt hơn là uống trà Tàu dễ bị ung thư và kích thích khó ngủ. 

Tránh uống các loại nước ngọt như coca cola, cam.. cà phê nên hạn chế dùng nhiều mất ngủ, có thể bị ung thư tuyến tiền liệt sinh bí đái và không dùng đường các trắng. 

Có thể dùng đường các vàng (mía) hay mật ong nếu thèm đồ ngọt và hạn chế vì dùng nhiều đồ ngọt và trái cây một số người ăn chay trường bị bệnh đái đường. 

Tránh kẹo, bánh, mứt, làm bằng đường. Trong cơm có nhiều chất ngọt rồi, nếu ăn nhiều chất ngọt nữa thì bị bệnh. Mùa nóng có thể uống Artichaut, tim sen, lá dâu. Có thể rang đậu đỏ nước uống bổ thận.

Cách ăn và uống

Ăn cơm phải nhai cho nhỏ va do nước miếng nên rất bổ. Ăn chậm rãi không nên ăn mau có hại bao tử. 

Không nên chan canh vào với cơm để lùa cho mau vì sẽ khó tiêu. Sau bữa ăn độ 10 phút sẽ uống nước và uống ít vì đã có canh rồi nếu uống nhiều khó tiêu hóa. 

Uống nước theo số tiểu tiện mỗi ngày: đàn ông đi tiểu độ 4 lần (cả đêm) đàn bà (3 lần là vừa, nếu quá thì phải hạn chế bớt nước uống.

Có người theo phương pháp Ohsawa (ăn chay trường) vì ít uống nước, sau bị sạn thận phải mổ vì họ hiểu lầm, uống quá ít nước.

Làm thế nào biết mình ăn đủ và đúng

Đúng nhất là cần định thành phần, tính calo, tuy nhiên không ai làm vì quá phiền phức, vì thế nên xem kết quả sau bữa ăn để biết đã ăn đúng cách chưa.

Đối với mỗi bữa ăn, ăn đủ là sau khi ăn có cảm giác vừa no, không nặng nề, dễ chịu, làm việc bình thường cho đến bữa ăn sau bắt đầu đói và thèm ăn.

Ăn xong không bị rối loạn về tiêu hóa (như tiêu chảy, táo bón, đau bụng, trung tiện, sình bụng, ựa chua, nấc cục, buồn nôn, nhức đầu, chóng mặt, lạnh hay nóng…). 

Đi phân tốt có lọn màu vàng sậm, đi nhanh không phải ngồi lâu, rặn, ít mùi hôi. Có khi dùng giấy vệ sinh lau không thấy có phân dính vào giấy chứng tỏ món ăn rất quân bình (trong một tháng có một hai ngày tôi đi phân như vậy). Ngày đại tiện 1 hay 2 lần nếu ăn nhiều.

Đi tiểu mỗi ngày từ 3 đến 4 lần cho đàn ông và từ 2 đến 3 lần cho đàn bà (kể cả ban đêm, tính 24 giờ) nước tiểu màu vàng đi thông không bị bí đái, số lượng nước tiểu nhiều, không đái dầm, đái són.

Giấc ngủ được ngon, dễ ngủ, không bị mộng mị, ngủ và thức đúng giờ.

Làm việc bền bỉ có sự dẻo dai không biết mệt dù lao động trí óc hay chân tay không bị các chứng vọp bẻ, uể oải, nhức mỏi, ít bị bệnh lặt vặt như cảm cúm, sỗ mũi, đau đầu. Không bị các bệnh nan y và bệnh nặng. Vi trùng khó tấn công vì cơ thể có đủ sức chống cự.

Hằng tháng nên cân để xem có lên cân hay sụt (đối vời tuổi trẻ thì cần lên cân) còn lớn tuổi và già thì số cân không thay đổi hay lên rất ít, nếu thấy sụt cân là ăn thiếu.

Lương y Nguyễn Văn San - Theo Thiện Tuệ

Tuesday, October 14, 2014

Những hình ảnh của Hoà thượng Thích Giác Sở

  
                              Hòa thượng Thích Giác Sở: Ảnh chụp năm 1968                   

                                  Hoà thượng Thích Giác Sở: năm 1985

Hoà thượng Thích Giác Sở: Ảnh năm 1968


          Hoà thượng Thích Giác Sở: Ảnh năm 1998

                              Hoà thưọng Thích Giác Sở và gia đình ông chủ đất Tạ Văn Chức: Ảnh năm 1970

Hoà thượng Thích Giác Sở và gia đình con gái ông bà chủ đất, chị Tạ Thị Mỹ Lệ, và phu quân của chị Luật sư Nguyễn Phòng mặc áo đen cùng hai con, Nguyễn Phong và bé út, tính từ đầu bên phải sang

                                 Hòa thượng Thích Giác Sở: Ảnh năm 1993

                                Hoà thượng Thích Giác Sở: Ảnh chụp năm 1968

                                 Hoà thượng Thích Giác Sở: Ảnh chụp năm 1968

                                  Hòa thượng Thích Giác Sở: Ảnh chụp năm 1966

                                Hoà thượng Thích Giác Sở: Ảnh chụp năm 1968

                                 Hoà Thượng Thích Giác Sở: Ảnh chụp năm 1968

                                Hoà thượng Thích Giác Sở: Chụp năm 1968

                                 Hòa thượng Thích Giác Sở năm 1968



           Hoà thượng Thích Giác Sở giữa, ông chủ đất Tạ Văn Hai người đầu bên phải: Ảnh năm 1995

Sự thật về những hạt xá lợi Phật



Tất cả những ghi chép, biên khảo, nghiên cứu đều không thể xác định được loại vật chất cụ thể của các tinh thể lẫn trong tro cốt của đức Phật. Do vậy, giới khoa học đành chấp nhận gọi đó là “xá lợi” theo phật giáo.

Ngôi chùa thờ xá lợi Phật


Vào những năm 1930 – 1940, sự kiện xá lợi Phật xuất hiện tại miền Nam Việt Nam đã khiến người dân một phen xôn xao. Bởi, việc thỉnh xá lợi của đức Thích Ca Mâu Ni từ tháp Bodhi Gaya (nơi đức Phật thành đạo) thuộc Népal, từ xưa cho đến nay chưa từng có tiền lệ. 

Vị thiền sư đã thực hiện điều này chính là thiền sư Nhẫn Tế - người được mệnh danh là “Tam Tạng của Việt Nam”. Sở dĩ vậy, là vì ông đã một thân một mình hành hương từ Việt Nam, sang tận Népal, Ấn Độ để được tận mắt chiêm bái đất Phật, và thỉnh kinh về nước. 
 
Ông còn có tên khác là Minh Tịnh – Trụ trì đời thứ nhất tại chùa Tây Tạng, Thủ Dầu Một, Bình Dương. 
 
Khu mộ Nhẫn Tế thiền sư tại chùa Thiên Chơn, Bình Dương 
 
Theo các tín đồ Phật giáo, thì xá lợi Phật chính là kết tinh hồn thiêng của đức Thích Ca Mâu Ni sau khi ông viên tịch. Kinh sách ghi lại, xá lợi Phật có đến 84 ngàn viên và được coi là một bảo vật quý giá, linh thiêng bậc nhất trong nhà Phật. Đặc biệt, đây là dạng vật chất có độ cứng vô cùng lớn, lại phát ra ánh sáng muôn màu.
 

Điều này khiến nhiều nhà khoa học phải vào cuộc. Nhưng tất cả ghi chép, biên khảo, nghiên cứu đều không thể xác định được loại vật chất cụ thể của các tinh thể trên. Do vậy, cho đến nay, giới khoa học vẫn chấp nhận gọi đó là “xá lợi” - theo tên các tín đồ Phật giáo đã đặt ra.


Chúng tôi đã đến chùa Tây Tạng, Bình Dương với hy vọng sẽ có thêm thông tin và tận mắt chiêm ngưỡng những hạt xá lợi Phật quý hiếm nhất thế giới này. 
 
Hòa thượng Thích Chơn Hạnh, trụ trì đời thứ 3 của chùa Tây Tạng cho biết: “Từ xưa cho đến nay, có rất nhiều nhà sư từ mọi miền thế giới đã về đất Phật chỉ để một lần được nhìn thấy hạt xá lợi linh thiêng mà còn rất khó khăn. Vậy mà chẳng hiểu vì sao tổ sư lại thỉnh được xá lợi Phật về Việt Nam”.

Hành trình thỉnh xá lợi Phật được thiền sư Minh Tịnh chép lại cặn kẽ trong cuốn Sự tích Tây du Phật quốc được lưu hành rộng rãi trong giới tăng ni, Phật tử. Theo đó, chính tâm lành của thiền sư và may mắn trăm năm có một, ông đã thỉnh được xá lợi từ tháp Bodhi Gaya thuộc Népal, về tới miền Nam Việt Nam. 
 
Vẻ đẹp đã đi vào huyền thoại của xá lợi Phật được thiền sư Nhẫn Tế ghi lại: “Xá lợi có hào quang ngời chói, màu hồng bạch tốt tươi, dầu cho ngọc dồi cũng không tày. Vật vô giá quý thay!...”.

Trụ trì Thích Chơn Hạnh cho biết, những hạt xá lợi Phật do tổ sư Minh Tịnh mang về được niêm phong kín trong bảo tháp. Bảo tháp này được đặt trên đỉnh cao nhất của mái chùa, phía sau thánh tượng ngũ trí Như Lai (5 vị Phật thiền). 
 
 
        
 
Khi chúng tôi ngỏ ý muốn được chiêm ngưỡng xá lợi Phật, vị trụ trì đã xá dài và rằng: “Dù bảo vật bấy lâu nay vẫn rất gần nhưng chính tôi cũng chưa được tận mắt nhìn thấy xá lợi Phật. Bảo tháp cất giữ xá lợi Phật được niêm phong bằng bùa linh, và các thế hệ trụ trì luôn gìn giữ lời hứa thiêng liêng là không bao giờ được mở niêm phong để chạm vào bảo vật”.
 

Giải mã xá lợi Phật


Theo tài liệu của Hòa thượng Thích Chơn Hạnh sưu tầm được từ trong và ngoài nước, thì khi xá lợi xuất hiện, người ta đã không tin và chấp nhận sự tồn tại của những hạt tinh thể huyền bí này. Vào năm 1997, W.C Peppé, một nhà khảo cổ học người Pháp đã tìm thấy những viên xá lợi được đựng trong một chiếc hộp bằng đá khi tiến hành khảo cổ tại vùng Piprava, phía Nam Népal. 


W.C Peppé ghi chép lại rằng: “Trên hộp có khắc những văn tự Brahmi. Theo bản dịch dựa trên Phật quang từ điển, những văn tự có nội dung như sau: “Đây là xá lợi của Đức Phật. Phần xá lợi này do bộ tộc Sakya, nước Savatthi phụng thờ”. 


Phát hiện trên, đã buộc khoa học hiện đại phải thừa nhận việc phân chia xá lợi Phật thành 8 phần cho 8 quốc gia cổ đại là có thật. Cũng theo ghi chép của W.C Peppé, sau khi mở hộp, các hạt xá lợi được cho là của đức Phật vẫn nguyên hình, nguyên sắc như mô tả trong lịch sử Phật giáo dù đã cách thời điểm đó hơn 2.500 năm. Những điều này, cũng được Nhẫn Tế thiền sư của chùa Tây tạng ghi lại trong cuốn Sự tích Tây du Phật quốc. 
 

Một số dạng tinh thể được cho là xá lợi của đức Phật và các vị cao tăng sau khi viên tịch 
 
Các nhà khoa học đã đưa ra rất nhiều giả thuyết để giải mã xá lợi. Một trong số đó là giả thuyết cho rằng do thói quen ăn chay của các vị tu hành. Người ăn chay, thường xuyên sử dụng một khối lượng lớn chất xơ và chất khoáng, trong quá trình tiêu hóa và hấp thụ, rất dễ tạo ra các muối phosphate và carbonate. Những tinh thể muối đó tích lũy dần trong các bộ phận của cơ thể và cuối cùng biến thành xá lợi. 
 
Tuy nhiên, giả thuyết này nhanh chóng bị bác bỏ. Bởi nó không thể giải thích được việc có rất nhiều người ăn chay trên thế giới mà sau khi mất đi, hỏa táng không hề để lại xá lợi.
 

Không chịu thua trước “ẩn số” mang tên Xá lợi, các nhà y học lại tiếp tục đưa ra giả thuyết, có thể xá lợi là một hiện tượng có tính bệnh lý, tương tự như bệnh sỏi thận, sỏi bàng quang, sỏi mật... Và khi hỏa táng các hạt sỏi này không tiêu hủy được nên còn lại trong đám tro tàn. 
 
Tuy nhiên, phán đoán này cũng đi vào ngõ cụt khi trong phần tro của những người mắc các chứng bệnh kể trên cũng không hề phát hiện thấy có xá lợi. 
 

Để trả lời những thắc mắc xung quanh nguồn gốc của loại tinh thể huyền bí này, Phật giáo cũng đưa ra những quan điểm riêng. Theo đó, họ cho rằng, không phải bất kỳ nhà tu hành nào sau khi viên tịch cũng để lại những hạt xá lợi. Mà những hạt vật chất kỳ bí này chỉ xuất hiện khi hỏa táng những bậc cao tăng đã trải qua quá trình tu hành và khổ luyện. 


Và cho đến ngày nay, sự tồn tại của những hạt vật chất mang tên xá lợi, với ánh sáng huyền ảo, không rõ thành phần vật chất … mang đầy dấu ấn tâm linh vẫn là một thách thức đối với các nhà khoa học. 
 
Tuy không thể giải mã nổi những bí ẩn về huyền tích xá lợi Phật, nhưng hy vọng ghi chép về những hạt xá lợi Phật quý hiếm nhất thế giới tại Việt Nam, sẽ giúp độc giả có cái nhìn đa diện hơn về loại vật chất kỳ bí này.

Bá Nguyễn/Một thế giới
 
Copyright © 2013 TÂM LINH | Powered by Blogger