Chuyện Cấm Cười - Theo Thư Viện Hoa Sen
Hỏi:
Chúng tôi là một đại gia đình gồm cha mẹ và năm anh chị em, hai trai, ba gái. Trong suốt cuộc đời tôi, hình ảnh mẹ tôi là trung tâm của gia đình. Từ khi còn ở Việt Nam, mẹ tôi là một bà nội trợ giỏi, với đồng lương công chức eo hẹp của ba tôi, mẹ tôi chi tiêu tằn tiện, may lấy quần áo cho chúng tôi, nấu những món ăn cho gia đình, dù không phải sơn hào hải vị, nhưng rất ngon. Tôi vẫn còn nhớ món cá nục trong những cái rổ nan, mẹ tôi chiên lên, rưới nước mắm, rắc hạt tiêu rồi hạ lửa xuống chỉ còn riu riu, mùi cá xém vàng nâu quyện với nước mắm cô đặc lại, bốc lên thơm ngào ngạt.
Khi ba tôi được đi theo diện HO, chúng tôi qua đến đây cũng còn nghèo lắm, mẹ tôi vẫn làm những món ăn rẻ tiền như khi còn ở quê nhà, đôi khi sang hơn một chút như có thêm thịt gà, thịt heo, vân vân… Còn nhớ những chiều đi học về, bóng dáng mẹ lui cui trong bếp, tay đũa tay thìa, mẹ nêm nếm những món gà kho gừng, cánh gà xào chua ngọt, mùi thơm hấp dẫn, tôi thường lấy cơm nóng bỏ vào chảo để vét lại cái chất nước sốt dẻo quánh, thơm và ngọt lựng trong cổ. Ðôi khi, mẹ tôi cũng chiên cá nục với nước mắm và hạt tiêu như khi xưa, mẹ bảo:” Món này rẻ lắm”, chúng tôi lại thấy ngon quá, chẳng đòi mẹ món ăn đắt tiền. Còn nhớ hôm anh tôi ra trường, mẹ tính cho cả nhà ăn món gà El Pollo Loco, nhưng rồi mẹ lại mua thịt gà về quay với bơ, mẹ bảo nhà làm thế này rẻ hơn nhiều, chúng tôi thì thấy ngon quá rồi, chẳng cần đòi hỏi gì thêm.
Ngày tháng êm ả trôi mau trong cuộc sống thanh bạch mà vui. Rồi chúng tôi ra trường, có gia đình, con cái. Mỗi cuối tuần, chúng tôi vẫn về ăn cơm với ba mẹ, rồi gửi con cho mẹ tôi trông giùm để đi coi chiếu bóng hay thăm bạn hữu. Mỗi tuần mẹ tôi lại nấu một món đặc biệt, như phở Bắc, hủ tiếu Nam Vang, bún bò Huế, mì Quảng, bánh xèo, bánh tôm, chả giò, vân vân, món nào của mẹ nấu cũng đều rất ngon. Dù nay thì chúng tôi dư tiền để ra tiệm ăn những món mà ngày trước coi là món ăn sang, nhưng chúng tôi thấy món mẹ nấu ngon hơn, thích ăn ở nhà ba mẹ hơn.
Từ khi chúng tôi đi làm, có gia đình, thì đời sống của ba mẹ tôi cũng khá hơn. Ngoài tiền trợ cấp của chính phủ, chúng tôi cũng biếu thêm chút đỉnh để ba mẹ đi chơi, hoặc có tiền chiêu đãi bạn bè, linh tinh. Mẹ tôi thì đi chùa, đi thăm bè bạn. Và rồi vấn đề bắt đầu nẩy sinh từ lúc này.
Sau một thời gian đi chùa, mẹ tôi bắt chước các bà bạn, học làm đồ chay, rồi đổi qua ăn chay. Lúc đầu thì còn ăn một tháng có mấy ngày, sau ăn chay trường luôn, chấm dứt ăn thịt.
Hồi mới ăn chay, mẹ tôi vẫn còn nấu các món ăn mặn như thường lệ. Sau một thời gian thì bà chỉ nấu món chay và mua những món mặn nấu sẵn ở ngoài tiệm đem về để mọi người ăn dặm chung trong mâm. Dần dần, những bữa ăn món đặc biệt cuối tuần như phở, bún, vân vân, cũng biến mất. Mẹ ít vào bếp, thường yêu cầu chúng tôi mua đồ ăn nấu sẵn, hoặc cùng nhau ra tiệm ăn. Thành ra sự đi chùa, tu hành theo đạo Phật thì từ bi đâu không thấy, chỉ thấy gia đình tôi mất những bữa ăn ngon lành đầm ấm khi xưa.
Ba tôi rất bực mình vì khẩu vị của ba đã quen với cách nấu ăn, nêm nếm của mẹ. Cơm ngoài tiệm ba thường chê mặn, chê bột ngọt, chê dầu mỡ, có khi chỉ nếm qua rồi bỏ ăn, đứng lên.
Cả ba tôi và chúng tôi đều oán đạo Phật và sự ăn chay, đã làm mất những bữa cơm gia đình ấm cúng của chúng tôi, đã làm mất niềm vui mà đã bao lâu nay mẹ chúng tôi đã đem lại cho chúng tôi.
Xin quý vị giúp ý kiến cho tôi, nên khuyên mẹ tôi ăn thịt trở lại, hay là nên khuyên ba tôi chấp nhận sự ăn trường trai và không nấu thịt cá của mẹ.
Trân trọng cảm ơn quý vị,
Ngọc Hạnh
Đáp:Ngọc Hạnh
Ðọc thư của bạn Ngọc Hạnh với những chi tiết nồng đượm tình gia đình, chúng tôi rất ngậm ngùi. Cũng như bạn Ngọc Hạnh, chúng tôi cũng cảm nhận được sự mất mát của gia đình bạn. Cảm nhận sự mất mát thì giống nhau, nhưng là những người đứng ngoài, nên chúng tôi có thể thấy thêm vài khía cạnh khác của vấn đề, xin trình bày ra cùng quý thính giả và bạn Ngọc Hạnh, như sau:
- Trước nhất, một điều rất rõ là gia đình bạn Ngọc Hạnh đã đặt tất cả niềm vui vào một trung tâm điểm, trung tâm điểm này "không phải là bà mẹ” nhưng là “khả năng nấu ăn ngon của bà mẹ”. Bởi vì bà mẹ vẫn còn sống đó, chỉ ngừng nấu các món mà gia đình thích thôi, là tất cả tình cảm mà trước kia biểu hiện ra trong việc nấu ăn, nay dĩ nhiên là vẫn còn đó, đã bị chồng con xóa hết rồi. Bản thân bà cũng vẫn còn đó, nhưng tình yêu của gia đình đối với bà thì dường như đã bị sứt mẻ. Tâm lý đó của mọi người trong gia đình có thể đã đôi khi biểu lộ ra, dù không quá lộ liễu, nhưng cũng đủ khiến cho bà mẹ suy nghĩ về “thân phận công cụ nấu bếp” của mình trong lòng chồng con chăng?
Trong cuộc sống vô thường, mọi sự đổi thay từng giây, từng phút, không ai biết lúc nào mình sẽ thở ra mà không còn hít vào này, sự đặt tất cả niềm hạnh phúc của gia đình vào tài nấu ăn của một người là sai lầm. Có thể bất thình lình bà mẹ bị tật bệnh gì đó, không còn nấu nướng được nữa, hoặc một ngày nào đó, tuổi già sức yếu, bà mẹ không thể gánh vác được những kỳ vọng mà chồng con đặt vào bàn tay làm bếp của mình, thì tất cả niềm vui của gia đình cũng sụp đổ hay sao? Còn phải nhớ đến rằng cái chết có thể tới với bất cứ ai vào bất cứ lúc nào, cho nên mỗi người phải tự mình tìm được sự an lạc từ nội tâm mình, không thể trông cậy vào ai khác, nhất là trông vào tài nấu bếp của một bà mẹ.
Nếu gia đình bạn Ngọc Hạnh để ý tới nội tâm của bà mẹ, sẽ có thể nhìn ra thêm khía cạnh khác, qua sự đổi thay của bà. Có thể là do đi chùa, tâm hồn bà phong phú ra, suy tư sâu sắc hơn, bà nghĩ tới được những vấn đề mà trước kia bà chưa từng nghĩ tới, cho nên hành xử khác trước.
Chúng tôi được biết có những gia đình đã tưởng tượng sai về sự đi lễ của bà mẹ, coi như là “ham vui”, hoặc là “già rồi trở thành mê tín”, hoặc “đến chùa gặp bè bạn để khoe của, khoe con”, mà thường là không tìm hiểu coi sinh hoạt ở chùa của mẹ như thế nào, không nhìn vào đời sống nội tâm của mẹ, đã biến chuyển ra sao.
Thực tế, do đi chùa, Phật tử được tiếp cận với giáo pháp nhà Phật, đôi khi do các vị sư giảng, nhưng phần lớn là do bạn đạo trao truyền cho nhau những câu chuyện, những băng giảng, những sách báo có những bài giáo lý. Từ những nguồn tài liệu này, một số vị đem về nhà, nhưng trước sự coi thường của chồng con đối với đạo, các vị ấy lặng lẽ đọc, lặng lẽ nghe băng, nhờ vậy, tâm hồn có sự chuyển hóa, hiểu được những phần cốt tủy của nhà Phật, về sự bớt làm điều xấu ác, tăng làm điều tốt lành và tụng kinh niệm Phật để thanh tịnh hóa tâm ý.
Trong những bài giảng, rất nhiều đề tài được đặt ra. Vì đạo Phật xây dựng trên hai cột trụ chính là Từ Bi và Trí Tuệ, cho nên đề tài Từ Bi thường được nói tới nhiều nhất. Cụ thể như trong một dịp gặp gỡ các tâm lý gia Hoa Kỳ, đức Ðạt Lai Lạt Ma cũng thảo luận với họ về đề tài Từ Bi, được trình bày trong cuốn “Worlds in Harmony, Dialogues on Compassionate Action”. Chúng tôi xin trích dịch mẩu đối thoại giữa Ngài và tiến sĩ Joanna Macy, một nhà bảo vệ môi sinh, sáng lập viên của Nuclear Guardianship Project, như sau:
…”…
Bà Joanna Macy hỏi:
- Thưa Ngài, tôi xin hỏi Ngài về trường hợp khác, trong đó những con vật rất đau đớn, đó là tại các trại chăn nuôi. Ðể có thể thay đổi lề lối làm việc ngõ hầu giảm thiểu sự đau đớn cho những sinh vật này, chúng ta cần phải nhìn tận mắt nỗi đau đớn của chúng. Nhưng đối với phần lớn chúng ta thì dường như sự nhìn vào nỗi đau đớn đó là điều quá sức chịu đựng nổi, cho nên chúng ta muốn nhìn đi phía khác để lảng tránh sự thực. Ngài mới giảng rằng phải thực tập hành động không lảng tránh mà nhìn sâu vào nỗi đau để không còn sợ nó nữa. Vậy nếu có thể, xin Ngài giảng rõ hơn, nhất là trong tinh thần liên đới cảm thông với các loài sinh vật đàn em đang bị hành hạ này chăng?
Ðức Ðạt Lai Lạt Ma đáp:
- Hàng ngàn, hàng triệu, hàng tỷ con vật bị giết để làm đồ ăn cho loài người. Ðiều đó thật là đáng buồn! Loài người chúng ta có thể không cần phải ăn thịt mà vẫn sống, nhất là trong thế giới tân tiến ngày nay. Chúng ta có quá nhiều thực phẩm bằng rau đậu và nhiều loại đồ ăn khác, cho nên chúng ta có khả năng và bổn phận cứu sống hàng nhiều tỷ sinh mạng. Tôi đã thấy có nhiều cá nhân và nhiều nhóm người tích cực yểm trợ các hoạt động bảo vệ quyền sống của loài vật, những người này đều ăn chay trường. Thật là tuyệt !
Có những sự giết chóc thật là phí phạm. Thí dụ săn bắn và câu cá, coi như là trò thể thao, đúng là vô nghĩa lý. Nếu giết vì lý do khác, thí dụ đánh cá để làm thực phẩm, thì còn có thể hiểu được hơn. Nhưng có lẽ điều đáng buồn nhất là tại các trại chăn nuôi. Những con vật đáng thương sống ở đó thật là đau khổ. Bản thân tôi đã từng tới thăm một trại nuôi gà tại Nhật, nơi người ta nhốt hai trăm ngàn con gà mái suốt hai năm trường, chỉ cốt để cho chúng đẻ trứng. Chúng là những kẻ tù đầy trong hai năm ròng rã đó. Rồi sau hai năm, khi không còn khả năng sinh sản, thì chúng bị bán đi để giết lấy thịt. Thật là kinh hoàng, đáng buồn quá! Chúng ta phải hỗ trợ những người có lòng muốn giảm thiểu cung cách đối xử bất công này.
Thật là tai hại nếu chúng ta không quan tâm tới nỗi đau đớn của bất cứ chúng sinh nào. Ngay trong chiến tranh, chúng ta cần nhận thức được nỗi đau đớn của đối phương và sự áy náy trong lòng mình vì đã gây đau thương cho họ thì tốt hơn…”…
Ðó là những lời khuyên của một tu sĩ Phật giáo về sự phát triển lòng từ bi, mà do tiếp cận với đạo, người Phật tử đã nhận thức được.
Nhân đây, chúng tôi cũng xin minh xác rằng ăn chay trường không phải là điều bắt buộc của người Phật tử. Ngay trong thời đức Phật, Ngài và chư đệ tử cũng không ăn chay trường, mà dùng những thức ăn do thí chủ cúng dường, dù là có thịt. Miễn là người ăn không trông thấy con vật bị giết, không nghe thấy tiếng nó kêu khi bị giết, và không nghi rằng nó bị giết với mục tiêu cho mình ăn, như thế, những thịt này được gọi là tịnh nhục. Tục lệ đó còn được chư tăng hệ phái Nguyên Thủy duy trì cho tới ngày nay.
Ðối với hệ phái Bắc Tông thì chỉ các tu sĩ mới ăn chay trường, còn cư sĩ tại gia thọ trì Ngũ Giới, thì Giới Sát chỉ cấm giết, chứ không cấm ăn thịt. Tuy nhiên, nhà Phật cũng khuyến khích Phật tử giảm bớt ăn thịt để cho súc vật đỡ bị giết. Vì thế mới có chế độ ăn chay kỳ, thí dụ mỗi tháng ăn chay bốn ngày, gọi là tứ trai, ăn chay sáu ngày, gọi là lục trai, ăn chay mười ngày, gọi là thập trai, ăn chay trọn một tháng gọi là nguyệt trai, vân vân. Tóm lại, đa số Phật tử không ăn chay trường.
Nhưng hiện nay riêng trong nước Mỹ, theo thống kê của hội bảo vệ súc vật, có mười hai triệu người ăn chay trường. Phần đông những người này không phải là Phật tử, họ ăn chay vì lý do sức khỏe, hoặc vì lòng trắc ẩn, thương xót loài vật, không muốn chúng bị đau đớn suốt cuộc đời cho tới lúc chết, chỉ vì lý do mình muốn ăn thịt. Chúng tôi xin trích dịch ý kiến của tác giả David A. Gabbe, viết trong cuốn “Why Do Vegetarians Eat Like That?” như sau:
…”… Thông thường, khi những con bò, bê, heo được chở tới lò sát sinh thì chúng đã phải đứng liên tục, kề vai nhau trên suốt đoạn đường dài dằng dặc. Chuyến đi khiến cho chúng bối rối, kiệt sức, và trong nhiều trường hợp, quá ốm yếu. Ít nhất là suốt một ngày rồi, chúng không được ăn, vì về phương diện kinh tế thì chẳng còn có lợi lộc gì khi cho những con vật ăn bữa cuối cùng, cái bữa mà chúng chẳng còn kịp tiêu hóa khiến cho đồ ăn biến thành thịt trước khi bị giết!
Và trong khi những nhân viên lò sát sinh, có thể vốn không phải là những kẻ ác độc bệnh hoạn từ bản chất, nhưng áp lực của công việc ghê gớm đã khiến cho nhiều người trong số họ trở thành nhẫn tâm đối với những con vật sắp lên đoạn đầu đài. Kết quả là họ tuôn ra hàng tràng la hét giận dữ, và tống những cái đạp, những cái quất lên những con vật bối rối, kinh hoàng. Tụ tập hàng trăm hoặc hàng ngàn, những con vật khiếp đảm chen chúc nhau đứng phía ngoài lò sát sinh, chờ tới phiên mình bước vào cõi chết.
Vẳng nghe tiếng kêu hấp hối thống thiết từ những con vật đi trước vọng ra, bầy gia súc tê dại với hình ảnh của chết chóc. Bây giờ thì chỉ một nhát đập mạnh và một cú điện giật là đủ khiến cho con vật đành phải líu ríu bước vào phòng tàn sát.
Trái với điều có thể quý vị tưởng, không làm gì có cách giết nhân đạo theo chỉ thị! Nhân viên lò sát sinh có thể chọn bất cứ cách giết nào — thường là cách rẻ tiền nhất –, bất kể là man rợ hoặc tàn ác. Trong nhiều lò sát sinh, những con vật trong cơn kinh hoàng được giáng cho một đòn bất tỉnh bằng một nhát vào đầu — thường là một thanh sắt bổ xuống sọ –, hoặc bằng một luồng điện giật, hoặc bất cứ cách nào khác, trước khi chúng bị cùm chặt, rút lên cao và bị đâm liên tục vào ngực, cổ, để làm đứt những động mạch chính. Máu phun ra từ nhiều vết thương khiến cho con vật chết lẹ vì cạn kiệt….”…
Trên đây chỉ là trích đoạn ngắn ngủi của bản trường ca bi thảm mà những con vật tội nghiệp phải chịu đựng suốt một cuộc đời. Lão Tử đã nói “Ta khổ vì ta có cái thân”. Chỉ vì có cái thân làm loài vật, mà những con vật đáng thương phải chịu một cuộc đời đầy đọa, đau đớn từ lúc sinh ra cho tới lúc chết.
Nhưng còn những con vật không bị tù tội, được rong chơi bơi lội như loài cá thì sao? Ca sĩ Cao Thái có bài thơ “Con Cá”, như sau:
Tôi là con cá dưới sông
Có cha, có mẹ, có chồng có con
Trông con trông mỏi trông mòn
Trông khi họp mặt coi còn đủ không
Ngày ngày dong ruổi chạy rong
Kiếm ăn đây đó đỡ lòng mới thôi
Bữa kia nghe tiếng con tôi
”Mẹ ơi, con đã mắc mồi rồi me”
Lạy Trời lạy Phật chở che
Cho cha cho mẹ cho bè con thơ
Thành người tôi sẽ ước mơ
Kiếp sau sẽ chẳng bao giờ đi câu.
Biết đâu lũ cá chẳng vừa bơi vừa nguyện ước:
- “Xin cho chúng tôi đừng gặp loài người” ?
Trích Thư viện Hoa Sen